Nhiều bạn đọc, trong đó có những người đã và đang là sinh viên học tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đều bất bình với mức phí giữ xe hiện tại ở trường này.
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, nhiều sinh viên cho biết giá giữ xe ở Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) còn đắt hơn gửi trong trung tâm thương mại.
Theo bạn đọc, bãi xe của trường đại học không nên thu tiền giữ xe quá cao như vậy, đặc biệt đối với những sinh viên ngành y – những người gắn bó ở trường tới 6 năm.
Có người đề xuất nên trợ giá hoặc miễn phí giữ xe vì học phí mà sinh viên đóng tại trường đã rất cao.
Đã có lượng khách ổn định, sao còn thu phí giữ xe giá cao?
Bạn đọc Trần Văn Vân đề nghị ban giám hiệu nhà trường xem xét lại việc niêm yết giá gửi xe cho sinh viên không quá 5.000 đồng/ngày.
“Con em chúng tôi học tại trường sáu năm chứ đâu có ít, còn số sinh viên học lên cao hơn nữa. Đã có một lượng khách cố định mà còn thu phí giữ xe quá cao, liệu có tận thu?”, bạn đọc Vân chia sẻ.
Bạn đọc Trung Quang cho rằng đây là trường học, thu phí giữ xe giá cao là không phù hợp với sinh viên.
“Là sinh viên cũ của trường từ 10 năm trước và giờ là giảng viên của trường, tôi thấy thu phí giữ xe như vậy là không chấp nhận được với một trường đại học y khoa”, tài khoản BS bày tỏ.
Tiếp lời, bạn đọc Tung đưa ra ví dụ nếu đi xe buýt chỉ có 3.000 đồng/lượt, đi về tổng cộng 6.000 đồng. Trong khi phí giữ xe tại trường lên tới 10.000 đồng, chưa tính phí xăng cộ đi lại.
“Có thật sự hợp lý không khi trường lấy lý do không vượt quá mức trần?”, bạn đọc Tung thắc mắc.
Tự nhận mình là sinh viên của trường, tài khoản sinhvieny chia sẻ: “Quy định giữ xe 4 tiếng là 4.000 đồng, nhưng thường lịch học một buổi ít nhất sẽ hơn 4 tiếng. Mong trường sẽ thay đổi sớm!”.
Theo bạn đọc Hạ An, bãi giữ xe trên đất của trường, sinh viên đi học đã đóng học phí, đúng ra không được thu phí để xe. Tuy nhiên, để bảo quản tài sản của sinh viên thì trả phí cho đội ngũ bảo vệ cũng được.
“Nhưng cũng vừa phải thôi, đâu phải đất của trung tâm thương mại đâu mà thu phí theo giờ. Không thể để đơn vị dịch vụ ra giá thầu cao quá”, bạn đọc Hạ An có ý kiến.
Không nên tận thu
“Sinh viên không phải đối tượng kinh doanh để tính giá như dịch vụ bên ngoài”, bạn đọc Nguyễn Minh Tuấn bày tỏ. Còn theo bạn đọc Công Bằng, không nên tận thu sinh viên, đặc biệt sinh viên ngành y.
Đồng tình, theo bạn đọc thie****@gmail.com, lẽ ra nhà trường và chủ khai thác kinh doanh bãi giữ xe nên giảm giá cho sinh viên, chứ không vịn vào quy định để tận thu.
“Mức thu theo quy định là mức thu tối đa. Bãi giữ xe chẻ giờ ra để tối ưu thu tiền, trong khi nhà xe không có mái che, xe phơi nắng phơi mưa”, bạn đọc này bức xúc.
Bạn đọc Chang có ý kiến: “Học phí của trường đã cao nhưng đến việc hỗ trợ cơ bản như giữ xe cho sinh viên cũng thu tiền giá cao là sao? Hãy học hỏi các trường khác có mức học phí hợp lý hơn mà vẫn giữ xe miễn phí cho sinh viên”.
Tài khoản Lang Thang đặt vấn đề: “Bảng giá niêm yết rành rành hằng ngày đó, sao phải để báo chí lên tiếng, nhà trường mới làm việc lại ngay với bãi giữ xe? Khi đấu thầu bãi giữ xe chắc chắn nhà trường đã biết phương án tính giá. Chỉ cần nhà trường đấu thầu bãi giữ xe giá hợp lý thì sẽ có giá giữ xe cho sinh viên hợp lý thôi”.
“Thiết nghĩ nên có quy định cụ thể về giá giữ xe ở trường học. Không nên để các trường học tận thu sinh viên bằng cách áp dụng khoản cao nhất của quy định”, bạn đọc Khoa Phạm đề xuất.
“Bãi xe yêu cầu thẻ sinh viên mới cho gửi xe thì nên lấy giá thấp như giá xe buýt hoặc miễn phí luôn thì càng tốt”, bạn đọc Tan Luan nói thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-giu-xe-truong-dai-hoc-cao-hon-trung-tam-thuong-mai-giang-vien-cung-thay-buc-minh-20241205074643148.htm