(TN&MT) – Từ cuối năm 2022 đến nay, giá nhà đất trên thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có xu hướng giảm mạnh. Thế nhưng, tình hình chung của thị trường vẫn là người mua rất ít.
Chưa vội “xuống tiền”
Thời gian qua, có nhiều thông tin mua bán nhà đất. Trong đó, lượng tin “cần mua” rất ít nhưng lượng tin “cần bán” lại rất nhiều. Thậm chí, có nhiều nhà đất được rao bán từ rất lâu và được đăng đi đăng lại nhiều lần với mức giá giảm dần nhưng cũng ít khách hàng quan tâm. Đó là những nhà đầu tư, chủ đất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với doanh nghiệp địa ốc, tình hình cũng không khá hơn. Trong bối cảnh tắc nghẽn nguồn vốn, thanh khoản chậm, để bán được sản phẩm, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách chiết khấu khủng lên đến 30 – 50% nhưng khách hàng vẫn “đủng đỉnh” chưa vội xuống tiền.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường BĐS nửa đầu năm 2023 còn nhiều khó khăn nhưng vào thời điểm cuối năm sẽ từng bướcphục hồi. Do đó, tâm lý chờ đợi BĐS giảm thêm hay “bắt đáy” sẽ rất dễ bỏ qua cơ hội khi thị trường đi qua đáy và bắt đầu đi lên. Do đó, nếu tìm được sản phẩm phù hợp, tầm giá hợp lý, người mua nên hiện thực hóa để nắm bắt cơ hội sở hữu nhà ở lúc này.
Từ tháng 12/2022 đến nay, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ quận 12, TP.HCM) có nhu cầu mua căn hộ nên có tìm hiểu một số dự án. Anh được môi giới tư vấn mua căn hộ ở một dự án tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), vì chủ đầu tư đang có chính sách chiết khấu lên tới 43% khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 98%. Song anh Thành vẫn đắn đo, chưa muốn xuống tiền. Anh Thành cho hay; “Thời điểm này, chủ đầu tư giảm giá nhà nhưng tôi lại lo, lỡ thanh toán luôn một lần cả số tiền lớn như vậy mà dự án không hoàn thành đúng hạn thì khác nào chôn tiền”.
Tìm hiểu thực tế từ Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường BĐS tại khu vực TP.HCM hiện đang xuất hiện nhiều tin rao bán cắt lỗ nhà đất với mức giá giảm sâu. Những khu vực từng nóng về nhà đất là quận 9, quận 2 (cũ), thuộc TP. Thủ Đức hay quận 7 và các huyện từng đề xuất lên quận như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi đã có nhiều BĐS giảm giá 20 – 30% so với đầu năm 2023, một số lô đất nền diện tích lớn giảm giá cả tỷ đồng so với đầu năm. Sản phẩm căn hộ thứ cấp có mức giảm từ 300 – 500 triệu đồng/căn nhưng tỷ lệ chốt hàng thấp do bên mua vẫn kỳ kèo ép giá.
Chờ đợi “bắt đáy”
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân khiến nhiều khách hàng không vội vàng xuống tiền vì họ cho rằng giá nhà đất sẽ còn giảm thêm. Hiện tại, các sản phẩm chào bán đa phần đến từ các khách hàng mua BĐS để đầu tư. Dòng tiền của nhóm nàychủ yếu dựa vào ngân hàng nên khi lãi suất tăng, đến thời hạn phải thanh toánsẽ chấp nhận giảm giá nhà đất để nhanh bán được hàng, giải tỏa áp lực tài chính. Người mua giờ không còn nỗi lo BĐS tăng giá “nóng”, phải tranh giành suất mua, thay vào đó, họ sợ nếu xuống tiền sớm mà thời gian tới giá tiếp tục giảm sẽ bị “hớ”. Vì vậy, nhiều người vẫn chọn quan sát hơn là xuống tiền mua vào thời điểm này.
Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn Khu vực phía Nam cho rằng, nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự vẫn đang chờ đợi, nhưng cũng có những người muốn có nhà ở ngay đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua. BĐS đáp ứng nhu cầu thực được cho là “điểm sáng” tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động để phục vụ nhu cầu này của khách hàng. Mặc dù vậy, để dòng vốn thực sự được khơi thông, sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá BĐS cần giảm tiếp.
Theo một số sàn môi giới BĐS tại TP.HCM, từ quý 3/2022 đến nay, lượng đơn hàng BĐS tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận ký gửi nhờ sang nhượng đã liên tục tăng lên. Nếu trước kia, người bán thường đưa ra mức lợi nhuận thu về ít nhất cũng 10 – 20% thì giờ đây hầu như đều chỉ mong thu hồi vốn gốc, thậm chí có nhiều sản phẩm chấp nhận giảm giá từ 150 – 500 triệu đồng tùy tổng giá trị để thoát hàng nhanh.
Tuy nhiên, việc tín dụng cho vay đang bị siết chặt, lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhóm khách sẵn lòng mua lúc này không nhiều. Thêm vào đó, tâm lý chờ thị trường “chạm đáy” để mua được giá tốt nhất khiến hoạt động giao dịch luôn ở thế giằng co, thương lượng chứ chưa nhiều người chịu chốt. Tâm lý chờ “bắt đáy” đang khiến giao dịch thực trên thị trường không nhiều và dòng tiền vẫn ở trạng thái chờ cơ hội.