Giá lúa, giá gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng “nóng” nhiều tuần liên tiếp. Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo thơm của Việt Nam được đàm phán ở mức khoảng 580 – 630 USD/tấn.
Các thương nhân cho biết, gạo thơm Việt Nam đã có thời điểm được chào bán với giá lên đến 700 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.900 đồng/kg, giá bình quân là 7.850 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá lúa thường tại kho lại giảm trung bình 333 đồng/kg, ở mức 9.083 đồng/kg; giá cao nhất là 9.500 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.600 đồng/kg, giá bình quân 14.486 đồng/kg, giảm 148 đồng/kg.
Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.400 đồng/kg, giá bình quân 14.208 đồng/kg, giảm 142 đồng/kg.
Gạo 25% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 13.892 đồng/kg, giảm 142 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 258 đồng/kg, giá trung bình là 14.667 đồng/kg. Giảm mạnh nhất là lứt loại 1 với 558 đồng/kg, trung bình là 13.392 đồng/kg.
Gạo thơm Việt Nam đã có thời điểm được chào bán với giá lên đến 700 USD/tấn. Ảnh minh họa: congthuong.vn |
Mới đây, Bộ Công Thương công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 17-8-2023. Theo đó, có 210 thương nhân được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo; còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Tận dụng việc giá lúa gạo đang tăng cao, các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp tăng cường xuống giống lúa Thu Đông 2023.
Tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được 25.405 ha lúa Thu Đông, đa số diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh với trên 13.897 ha. Giá lúa theo ghi nhận tại các địa phương tăng từ 800 – 1.000 đồng/kg so với vụ trước.
Nông dân Đồng Tháp đã gieo sạ được gần 100.000/120.000ha lúa Thu đông (đã điều chỉnh tăng so kế hoạch ban đầu 116.000 ha). Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2023-2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đăng ký xuống giống khoảng 184.000ha. Với vụ Đông Xuân sớm tỉnh Đồng Tháp sẽ chọn 3 huyện là Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông tổ chức sản xuất 60.000ha, xuống giống dứt điểm vào tháng 10-2023 và bảo đảm thu hoạch trước Tết Nguyên đán để tận dụng thời cơ giá tốt.
Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo thơm của Việt Nam được đàm phán ở mức khoảng 580 – 630 USD/tấn. Các thương nhân cho biết gạo thơm Việt Nam đã có thời điểm được chào bán với giá lên đến 700 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào ở mức giá từ 650 – 655 USD/tấn và loại gạo tương tự gạo của Việt Nam được chào ở mức 620-630 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu châu Á đã tăng giá chào bán gạo khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati vào tháng trước. Những diễn biến này làm gia tăng rủi ro lạm phát lương thực đối với bộ phận người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất tại châu Á và châu Phi, trong bối cảnh nguồn cung giảm khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến mùa màng và cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Trước khi có lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, gạo Thái Lan được niêm yết ở mức giá 545 USD/tấn và gạo Việt Nam ở mức giá từ 515 – 525 USD/tấn.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước chiếm 40% nguồn cung gạo thế giới, đã khiến nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế giảm 10 triệu tấn.
ANH NGỌC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.