Theo số liệu hải quan, năm 2023 Thái Lan dẫn đầu về sản lượng với con số 8,8 triệu tấn gạo xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 2 với 8,2 triệu tấn. Giá trị gạo của Thái Lan đạt 5,2 tỉ USD còn Việt Nam là 4,8 tỉ USD.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo của cả Thái Lan và Việt Nam đều tăng thêm tương ứng 1,1 triệu tấn; Thái Lan năm 2022 là gần 7,7 triệu tấn còn Việt Nam 7,1 triệu tấn. Con số này cho thấy, sự thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ để lại một khoảng trống lớn (khoảng 4 – 5 triệu tấn gạo) mà các nguồn cung còn lại không thể bù đắp.
Xét về giá cả, trong suốt giai đoạn từ khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo đến giữa tháng 12.2023, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam luôn cao hơn Thái Lan. Có thời điểm giá gạo Việt cao hơn gạo Thái đến 105 USD, cụ thể, tuần đầu tháng 11.2023, giá gạo 5% tấm của VN là 663, còn Thái Lan chỉ 558 USD/tấn.
Trong tháng cuối cùng của năm 2023, nguồn cung gạo của Việt Nam hạn chế khiến các khách hàng truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc tìm đến Thái Lan khiến giá gạo nước này tăng lên đáng kể và kết thúc năm ở mức tương đồng với gạo Việt Nam là 660 USD/tấn.
Thế nhưng năm 2024, Thái Lan chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu gạo là 7,5 triệu tấn, giảm đến 1,3 triệu tấn so với năm 2023. Nguyên nhân, do thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới vụ mùa đầu tiên trong năm của nước này. Mặt khác, người Thái chủ động giảm sản lượng gạo xuất khẩu do lo ngại Ấn Độ sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu vào nửa cuối năm 2024.
Trong khi vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL của Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vào tháng 2 – 3 sắp tới và nhiều người tin rằng thời điểm đó, giá lúa gạo vẫn còn cao do nhu cầu lớn từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là Indonesia.