Thái Lan đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn. |
Hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi bị ảnh hưởng do giá gạo tăng vọt và giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là nhận định của các chuyên gia và các bài báo quốc tế.
Theo báo Bangkok Post của Thái Lan, gạo đóng góp tới 60% tổng lượng calo cho người dân ở các vùng của Đông Nam Á và châu Phi, tỷ lệ này tăng lên 70% ở các quốc gia như Bangladesh.
Ông Joseph Glauber- thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế ở Washington (Mỹ), nhận định, giá gạo cao hơn sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo ở các quốc gia tiêu thụ gạo lớn ở châu Á.
Giáo sư nghiên cứu về an ninh lương thực tại ĐH Harvard (Mỹ) dự báo, giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng.
Hầu hết gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á, nơi nông dân đang phải vật lộn với nắng nóng và hạn hán.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán.
Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank tại Singapore Chua Hak Bin cho biết, rủi ro lớn nhất là liệu El Nino và biến đổi khí hậu có làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và đẩy lạm phát lương thực nói chung lên cao hơn hay không.
Theo ông, điều này có thể kích hoạt nhiều chính sách bảo hộ hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả.
BÙI THANH (Theo VTV.vn)