Nhiều doanh nghiệp gạo khó khăn…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.
Tuy nhiên, nhìn sang tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành gạo trong nước vẫn thấy chưa có sự tác động tích cực nhiều lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp gạo vẫn lỗ.
Cụ thể, với những tên tuổi lớn trong ngành gạo như Lộc Trời, Trung An, Angimex đều ghi nhận tình cảnh kinh doanh ảm đạm, từ lỗ triền miên đến liên tục gặp phải khó khăn.
Công ty Cổ phần Lộc Trời (UPCoM: LTG) kỳ vọng doanh thu năm nay đạt 20.000 – 24.000 tỷ đồng từ xuất khẩu gạo và các hoạt động khác. Từ giờ đến cuối năm Lộc Trời sẽ ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo tương đương hơn 400 triệu USD.
Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM), 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của AGM chỉ đạt gần 151 tỷ đồng, giảm 53%. Đáng chú ý, công ty không còn ghi nhận khoản thu 207 tỷ đồng từ hoạt động bán xe máy, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa trong quý.
Ngược lại doanh thu bán hàng lương thực trong kỳ của công ty tăng 67% lên hơn 118 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu.
Dưới sự bào mòn của giá vốn, cộng thêm các khoản chi phí nên sau thuế Angimex lỗ tới 99,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, mặc dù Angimex điều chỉnh giảm kế hoạch lãi trước thuế về 5 tỷ đồng, thấp hơn 81% so với kế hoạch cũ, nhưng tới nay công ty vẫn chưa thể có lãi. Tại ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của Angimex tăng lên gần 260 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Angimex xuống mức âm gần 78 tỷ đồng.
Còn đối với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR), sau hủy niêm yết vào tháng 5/2024, công ty dù ghi nhận lợi nhuận cải thiện song vẫn chìm nghỉm trong thua lỗ.
Cụ thể, quý II/2024, Trung An ghi nhận doanh thu đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 67%. Do giá vốn tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận gộp của công ty xuống còn 40 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính ghi nhận tăng gấp đôi cùng loạt chi phí tiết giảm mạnh nên sau thuế, Trung An lỗ 3,4 tỷ đồng. Cải thiện đáng kể so với số lỗ gần 7,9 tỷ đồng ghi nhận vào quý II/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận doanh thu đạt 3.419 tỷ đồng, tăng 36%. Sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 772 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 7,5 tỷ đồng.
Chỉ có số ít doanh nghiệp gạo thuộc nhóm doanh nghiệp báo lãi trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – Công ty Cổ phần (Vinafood II; UPCoM: VSF) ghi nhận doanh thu đạt 6.445 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 7% so với cùng kỳ. Nhờ tích cực tiết giảm các khoản chi phí trong quý nên kết quả của công ty ghi nhận ngược dòng tăng trưởng 12%, đạt 10,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinafood II ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.242 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nhờ cắt giảm các khoản chi phí khác mà lợi nhuận sau thuế của công ty tăng lên 20,6 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng doanh nghiệp hiếm hoi báo lãi tăng trưởng trong quý II/2024.
Thị trường sẽ sôi động, giá gạo đi lên trong những tháng cuối năm?
Dù thị trường còn nhiều rủi ro, các tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu vẫn kỳ vọng giá thu mua từ nhà nhập khẩu sẽ tăng trong thời gian tới.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) dự báo rằng tỷ lệ các quốc gia không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới, với gần 30 quốc gia thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực để bảo vệ nguồn cung nội địa. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng giá gạo trong nửa cuối năm có thể tăng trở lại.
Nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Indonesia mới đây cho biết có thể nhập khẩu đến 4,5 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024.
Ngoài Indonesia mới đây thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 – 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam.
Được biết, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận đang có sự điều chỉnh tăng lên. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn, tăng 5 USD; gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 570 USD/tấn, tăng 8 USD; gạo 25% tấm ở mức 536 USD/tấn, tăng 7 USD.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-gao-dang-di-len-doanh-nghiep-gao-van-lo-ngai-nguy-co-thua-lo-cuoi-nam-vi-sao-20240813080154363.htm