Theo phản ánh của tờ The Observer, phụ huynh ở Anh thường phải mua đồng phục có logo của trường (gọi tắt đồng phục nhà trường) với giá gấp đôi quần áo tương tự ở siêu thị và cửa hàng.
Dù chính phủ đưa ra văn bản hướng dẫn pháp lý kể từ năm 2011, yêu cầu nhà trường giảm chi phí, nhưng The Observer đưa tin các trường công yêu cầu phụ huynh mua đồng phục nhà trường như: áo khoác, áo len, cà vạt và đồ thể thao. Thậm chí, một số trường còn yêu cầu phụ huynh mua 5 bộ đồng phục.
Cụ thể, áo polo đồng phục thể thao dành cho học sinh 9-11 tuổi có giá khoảng 11 bảng Anh (gần 360.000 đồng). Trong khi đó, áo polo tương tự ở bên ngoài được bán với giá dao động từ 5-9 bảng Anh.
Tương tự, áo khoác đồng phục của trường có giá khoảng 35 bảng Anh, so với mức thấp nhất 16 bảng Anh ở siêu thị hay cửa hàng.
Nghiên cứu do The Children’s Society công bố năm 2023 cho thấy phụ huynh chi trung bình 422 bảng Anh/năm cho đồng phục trung học và 287 bảng Anh cho đồng phục tiểu học.
Ông Mark Russell, Giám đốc điều hành The Children’s Society, cho biết: “Chính phủ đưa ra hướng dẫn cụ thể nhằm giảm chi phí đồng phục học sinh. Tuy nhiên, các gia đình vẫn đang phải mua đồng phục nhà trường giá cao vào đầu năm học mới (bắt đầu vào tháng 9 – NV). Chúng tôi đề nghị các trường giảm số lượng đồng phục bắt buộc mua”.
Trước lời đề nghị trên, một người phát ngôn Bộ Giáo dục Anh cho biết bộ này sẽ nghiên cứu ban hành quy định giới hạn số lượng đồng phục nhà trường yêu cầu phụ huynh phải mua – tối đa là 3.
Ngoài ra, The Children’s Society đề xuất các trường tổ chức đấu thầu thường xuyên để tìm được công ty may có mức giá hợp lý.
Hiệp hội Các công ty may đồng phục trường học bày tỏ lo ngại phụ huynh sẽ chuyển sang đồng phục mà họ gọi là “rẻ tiền, không có thương hiệu, chất lượng kém”. Ông Matthew Easter, Chủ tịch hiệp hội, khẳng định đồng phục do các công ty thành viên sản xuất có chất lượng cao, “hoàn toàn khác biệt, được thiết kế để giặt và mặc nhiều lần”.
Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Các công ty may đồng phục trường học cho thấy, cứ mỗi 10 giáo viên thì có 1 người tin rằng đồng phục góp phần tạo môi trường bình đẳng, “nâng cao ý thức cộng đồng, kỷ luật”.
Ở Pháp, học sinh không phải mặc đồng phục. Tuy nhiên, một số trường đang thí điểm chương trình yêu cầu toàn thể học sinh mặc đồng phục.
Nguồn: https://thanhnien.vn/anh-gia-dong-phuc-nha-truong-gap-doi-ngoai-sieu-thi-185240901153209739.htm