Thời nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ khiến cho sự kết nối trong gia đình truyền thống trở nên yếu ớt, khoảng cách giữa các thành viên lớn hơn.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, gia đình Việt Nam hiện nay đã bị biến đổi theo các đặc trưng của thời đại, không còn giữ nhiều nét truyền thống như xưa. (Ảnh: NVCC) |
Ngày quốc tế Gia đình (International Day of Families, 15/5) là ngày lễ quốc tế được Liên hợp quốc đặt ra nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Ngày này cũng là để nhắc nhở mỗi cá nhân về tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội.
Gia đình Việt Nam hiện nay bị biến đổi theo các đặc trưng của thời đại, không còn giữ nhiều nét truyền thống như xưa. Thời xưa, các gia đình là bộ phận quan trọng nhất của xã hội và của từng cá nhân. Trong quá trình trưởng thành và phát triển của một con người, đặc trưng gia đình sẽ để lại dấu ấn rõ nét nhất và quyết định số phận của họ.
Thời nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những ảnh hưởng vượt biên giới của toàn cầu hóa khiến cho sự kết nối trong gia đình truyền thống trở nên yếu ớt. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ không chọn lựa việc kết hôn và sinh con truyền thống mà lựa chọn các thể chế gia đình đơn thân, độc thân. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên thiếu sự giao thoa, tiếp xúc hàng ngày với thiên nhiên, thay vào đó là sự tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Do vậy, đứa trẻ không rành những việc xảy ra xung quanh mình, không phân biệt được các loại rau muống, rau cải, hành lá… nhưng lại rất rành việc xảy ra ở bên kia Trái đất do sự kết nối của các thiết bị công nghệ.
Cũng nhiều nề nếp truyền thống không được chuyển giao xuống các thế hệ nhỏ như sử dụng kính ngữ với người lớn tuổi, nếp đi đứng nói năng, ví như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Xuất hiện những đứa trẻ chưa nói sõi tiếng Việt nhưng đã nói tiếng Anh khá thông thạo. Do vậy, hình thái gia đình Việt Nam hiện đã không còn như xưa mà đang hình thành các kiểu gia đình Á châu hiện đại.
Rất nhiều quốc gia phát triển đã nhận thức rõ những tác hại của toàn cầu hóa đến xã hội và trẻ em nên họ đã áp dụng các biện pháp xử lý. Họ yêu cầu các gia đình cách ly trẻ với các thiết bị điện tử trước tuổi lên 6. Đồng thời, yêu cầu các bậc cha mẹ phải thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của họ với con cái.
Ngoài ra, họ còn có các lớp học hướng dẫn cha mẹ cách giáo dục con cái và giải quyết ức chế tâm lý cho các cha mẹ; nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng để thu hút sự chú ý tham gia của giới trẻ. Khi đó, trẻ sẽ được phát triển nhiều về các kỹ năng xã hội nhằm lĩnh hội các giá trị truyền thống.
Trong bất kể xã hội nào, sự tôn trọng quyền riêng tư cá nhân cũng cần phải được thực thi. Tuy nhiên, đặt trên quyền riêng tư đó chính là pháp luật, là các quy định của cộng đồng. Điều gây ra sự “đứt gãy” đó không phải là quyền riêng tư mà chính là thái độ thiếu tôn trọng và thực thi pháp luật của cả cha mẹ lẫn con cái. Pháp luật là các quy định của xã hội mà mình phải tuân thủ để sống an toàn và nghiêm túc. Pháp luật cũng là ranh giới đúng sai rõ ràng mà mỗi con người cần biết và thực hiện.
Khi một gia đình không có các quy định rõ ràng, trẻ sẽ bị lẫn lộn về các khái niệm, không rạch ròi đúng/sai. Khi đó, mỗi thành viên sẽ chỉ suy nghĩ về các vấn đề dựa trên quan niệm cá nhân và các quyền lợi của chính mình. Nếu trong gia đình có một số quy định và tất cả mọi người đều tuân thủ theo các quy định đó thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài các quy định đó ra, tất cả quyền lợi cá nhân, kể cả quyền riêng tư đều phải được tôn trọng. Khi đó, mọi việc sẽ được kiểm soát trong vòng an toàn của các quy định và cả sự tôn trọng cá nhân mà không gặp phải bất cứ “đứt gãy” nào.
Bữa cơm gia đình giúp kết nối các thành viên trong gia đình. (Nguồn: giadinhvietnam.com) |
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, hiện nay cha mẹ – con cái đang bị mất kết nối do tác động của công nghệ và Internet. Thời điểm bắt đầu cho con làm quen với công nghệ, thời gian biểu hoạt động của con trong ngày, các hoạt động bổ trợ cuộc sống như hoạt động cộng đồng, việc làm thêm, thời gian và cách thức đọc sách, tìm hiểu, khám phá cuộc sống, các trải nghiệm, đặc biệt là những kiến thức nuôi dạy con… sẽ quyết định mức độ kết nối của các con với cha mẹ. Khi cuộc sống của các con quá nhàm chán, chỉ có học và sinh hoạt cá nhân thì việc con dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho các khám phá công nghệ sẽ diễn ra.
Ban đầu, khi các con còn nhỏ tuổi, cha mẹ vẫn có thể kiểm soát được các mức độ cũng như nội dung khám phá. Nhưng khi các con đã đủ lớn, việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn, thậm chí vượt khỏi khả năng của cha mẹ. Đến lúc đó, các tác động của Internet và công nghệ sẽ thực sự ảnh hưởng đến các con và gia đình.
Vậy làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình? Theo tôi, tâm huyết thực sự, tình yêu con vượt khỏi các nhu cầu của cha mẹ, đặc biệt là nhu cầu được tôn vinh công nhận, các kiến thức nuôi dạy con và cả sự sẵn sàng hy sinh cảm xúc chính mình của cha mẹ sẽ xây đắp hạnh phúc gia đình.
Cha mẹ dành cho con thời gian, sự quan tâm tới mọi vấn đề của con chứ không phải chỉ riêng điểm số, thành tích ở lớp, ở trường. Khi đó, cha mẹ sẽ dễ dàng thực hiện được các biện pháp giáo dục và hỗ trợ con phát triển.
Một điều đặc biệt quan trọng là sự cởi mở của cha mẹ với con cái. Nếu các bậc cha mẹ không có các khung định hướng quá nghiêm khắc, những thước đo đánh giá ngặt nghèo thì việc kết bạn với con không hề khó khăn. Các con sẵn sàng bao dung với mọi vấn đề của cha mẹ nếu như cảm nhận được thành ý và tình yêu từ cha mẹ mình và không chịu những áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn.
Vì thế, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng khi cha mẹ tự tháo gỡ những gò bó trong quan niệm của chính mình trong khi xử lý các vấn đề của trẻ. Khi đó, gia đình sẽ thực sự trở thành cái nôi hạnh phúc và quan trọng nhất đối với một con người.
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-dinh-trong-con-bao-cong-nghe-lam-sao-de-khong-bi-mat-ket-noi-271239.html