Các nhà nghiên cứu nhằm mục đích khám phá tác động lâu dài của sự hỗn loạn trong gia đình đối với sức khỏe tâm thần.
Nguy cơ về sức khỏe tâm thần do môi trường gia đình
Nghiên cứu nhấn mạnh thanh thiếu niên cho rằng gia đình của họ vô tổ chức hoặc xáo trộn đã báo cáo nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi hơn ở thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng môi trường gia đình hỗn loạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và giáo dục của trẻ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những tác động này có kéo dài đến tuổi trưởng thành hay không.
Cho rằng anh chị em có thể trải nghiệm những cách khác nhau trong cùng một gia đình, nghiên cứu tìm cách hiểu nhận thức của mỗi cá nhân về sự hỗn loạn, và điều đó ảnh hưởng ra sao đến kết quả sức khỏe tâm thần trong cuộc sống về sau.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Phát triển sớm của các cặp song sinh, bao gồm các cặp song sinh sinh từ năm 1994 đến 1996 ở Anh và Xứ Wales. Các nhà nghiên cứu tập trung vào các cặp song sinh để kiểm soát các yếu tố di truyền và môi trường chung trong các gia đình.
Họ đã phân tích phản hồi của các cặp song sinh ở độ tuổi 9, 12, 14 và 16, xoay quanh cách trẻ nhìn nhận về sự hỗn loạn trong gia đình.
Mẫu nghiên cứu bao gồm 4.732 cặp song sinh cùng giới tính. Các cặp song sinh khác giới được loại trừ để tránh kết quả gây nhiễu do sự khác biệt giới tính.
Ở tuổi 23, cặp song sinh đã báo cáo nhiều kết quả khác nhau bao gồm trình độ học vấn, tình trạng việc làm, thu nhập, việc sử dụng chất gây nghiện, sức khỏe tâm thần…
Cách cảm nhận về gia đình ở các anh chị em là khác nhau
Nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên cho rằng gia đình của họ hỗn loạn hơn ở tuổi 16 có kết quả sức khỏe tâm thần tệ hơn ở tuổi 23. Những kết quả này bao gồm mức độ trầm cảm, lo lắng và hành vi chống đối xã hội cao hơn, cũng như mức độ tự chủ thấp hơn.
Điều quan trọng là những mối liên hệ này vẫn có ý nghĩa quan trọng ngay cả sau khi tính đến tình trạng kinh tế – xã hội của gia đình và sự hỗn loạn trong gia đình do cha mẹ báo cáo.
Các nhà nghiên cứu phát hiện anh chị em có thể có những nhận thức khác nhau rõ rệt về môi trường gia đình. Một anh chị em có thể thấy gia đình ồn ào và xáo trộn hơn nhiều so với người còn lại.
Sophie von Stumm, tác giả nghiên cứu, giáo sư tâm lý học tại Đại học York (Canada) cũng cho biết những người báo cáo mức độ hỗn loạn trong gia đình cao hơn cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn. Điều này thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa sự hỗn loạn được nhận thức và sức khỏe tâm thần sau này.
Nghiên cứu cũng khám phá tác động của sự hỗn loạn trong gia đình ở các độ tuổi khác nhau. Mặc dù các mối liên quan quan trọng được tìm thấy ở độ tuổi 9, 12 và 14, nhưng tác động mạnh nhất sẽ ở tuổi 16.
Von Stumm dự định điều tra độ tuổi cụ thể và lý do cơ bản dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức của anh chị em về sự hỗn loạn trong gia đình.
“Có thể những đứa trẻ trải qua nhiều biến cố bất lợi trong giai đoạn đầu đời hơn anh chị em của chúng, như bị thương hoặc bị đuổi học, sẽ phát triển độ nhạy cảm cao hơn trước sự hỗn loạn trong gia đình, sau đó ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần của chúng”, cô nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-dinh-hon-loan-de-khien-suc-khoe-tam-than-thanh-thieu-nien-bat-on-khi-truong-thanh-20240615145830207.htm