7 năm qua, gia đình chị Hằng Bùi (Hà Nội) lựa chọn nghỉ Tết ở những vùng đất, quốc gia khác nhau. Hành trình tới Ấn Độ 13 ngày là chuyến đi đáng nhớ nhất.
Những năm gần đây, thay vì ở nhà sum họp đón Tết cổ truyền, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch, cùng khám phá vùng đất mới trong kỳ nghỉ dài ngày.
VietNamNet giới thiệu bài viết của chị Hằng Bùi (Hà Nội) chia sẻ hành trình đáng nhớ - 13 ngày khám phá Ấn Độ trong một kỳ nghỉ Tết.
Chúng tôi yêu vô cùng và trân trọng ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng tôi quan điểm, ở đâu có gia đình, ở đó đều có Tết. Việc cúng bái tổ tiên, thăm nom họ hàng, người thân... chúng tôi làm quanh năm, không chờ tới Tết.
Thêm vào đó, bố mẹ tôi đang ngày càng già đi, hai con Huy và Mây ngày càng lớn. Tôi muốn gia đình 3 thế hệ có thêm nhiều thời gian bên nhau, cùng trải nghiệm vẻ đẹp đất nước, tìm hiểu văn hóa vùng miền. Hai con tranh thủ kỳ nghỉ Tết dài ngày để khám phá thế giới, đi để trưởng thành.
Chuyến đi xuyên Tết đáng nhớ nhất với chúng tôi và các con, là hành trình tới Ấn Độ vào tết Quý Mão 2023.
Ngày 23 Tết, gia đình tôi lên đường sang Ấn Độ. Trong 13 ngày tại quốc gia này, vợ chồng tôi đưa hai đứa trẻ dọc theo cung đường sa mạc Thar: New Delhi - Mandawa - Bikaner - Jodhpur - Udaipur - Pushkar - Jaipur - Arga - Varanasi.
Ấn Độ là nơi bạn phải vứt bỏ nhiều định kiến. Ngày đầu tiên, hai đứa trẻ đã được thấy phố đi bộ Aram Bagh - nơi đầy rẫy người ăn xin,... - một môi trường khác hẳn nơi chúng sống hay các quốc gia từng tới khám phá.
Chúng tôi tới Karni Mata - ngôi đền Hindu nằm ở Deshnoke, bang Rajasthan, cách Bikaner khoảng 30km. Karni Mata nổi tiếng với tên gọi đền chuột, thiên đường dành cho loài gặm nhấm này. Nơi đây có hơn 25.000 con chuột sinh sống.
Chuột ở đây được cho ăn ngũ cốc, sữa và dừa trong những chiếc bát kim loại lớn. Nước mà chuột đã uống được coi là nước thánh, đồ ăn mà chúng nếm qua là đồ linh thiêng.
Mới bước vào đền, Mây run sợ khi thấy chuột.
Bạn hướng dẫn viên nhẹ nhàng giới thiệu cho tôi và các con về lịch sử ngôi đền, truyền thuyết về chuột thiêng đền Karni Mata... Những câu chuyện khiến hai đứa trẻ bị thu hút.
Điều thú vị, dù có hàng nghìn con chuột sống tự do trong đền, song người dân chưa từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh dịch hạch nào. Nếu một con chuột bị giết trong đền Karni Mata, người ta phải thay thế bằng một con chuột bằng vàng có cùng cân nặng và kích cỡ với con chuột thật đã chết.
Tôi khuyến khích con thử chạm vào những chú chuột thiêng, cho chúng ăn. Tôi và Mây ngồi xuống, thả lỏng cơ thể, nhẹ nhàng đưa tay ra, các ngón tay duỗi thẳng, không động đậy, bình tĩnh và yên lặng chờ đợi chú chuột tiến tới.
Mây vẫn hơi sợ nhưng con không hét lên, bình tĩnh cảm nhận chuyển động của con vật nhỏ bé giữa lòng bàn tay trong ít giây ngắn ngủi. Nỗi sợ hãi ban đầu cứ thế dần vơi đi.
Khi người thân ở Việt Nam đón Tết, tôi lại đang dắt tay hai đứa trẻ đi vòng quanh Manikarnika Ghat - nơi có hàng trăm thi thể đang được thiêu hóa mỗi ngày.
Manikarnika Ghat là một trong những nơi cổ kính và linh thiêng nhất trong tôn giáo và truyền thuyết Hindu. Người ta luôn tin rằng nghi thức tang lễ ở Manikarnika Ghat giúp con người thoát khỏi kiếp luân hồi bất tận.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi và bọn trẻ biết thế nào là bão lửa có thể cuốn đi mọi buồn vui, sướng khổ trong cuộc đời. Tôi dắt bọn trẻ len lỏi dọc bờ sông, vòng qua các bậc cầu thang cao chót vót, chui qua con ngõ nhỏ tối tăm, chật hẹp…
24h trong suốt 7 ngày, bất kể ban ngày hay ban đêm, đông hay hè, ngày thường hay ngày lễ… nơi này không bao giờ tắt lửa.
Người dân thường lấy nước sông ở đây về phục vụ cho sinh hoạt. Cách đó không xa, cả đoạn sông dài nô nức già trẻ, lớn bé tắm gội và thực hành các nghi lễ rửa tội.
Chúng tôi quan sát, không có sự sợ hãi, miệt thị. Tôi vẫn nói với các con: "Định kiến là cái lưới hốt bạn rồi bỏ vào cái chậu con con, khiến bạn tự tước đi cơ hội được trầm mình vào biển trời văn hoá, nơi những thứ có giá trị từ ngàn năm chờ được chạm tay vào”.
Hôm ấy, chúng tôi may mắn biết bao khi được "chạm" vào một tập tục linh thiêng của người dân Ấn Độ.
Ấn Độ không chỉ có những điều kỳ bí mà còn có những "phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời" khiến chúng tôi mê mải, khó có thể thoát ra.
Ở Mandawa, nhiều công trình được trang trí bằng các bức họa vẽ tay tỉ mỉ, mang ý nghĩa của những truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo và đậm nét di sản văn hóa. Tiếc rằng, nhiều nơi bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.
Thực lòng mà nói, những ngày đầu hành trình, hai đứa trẻ không quá hồ hởi. Chúng không hiểu lí do phải theo bố mẹ tới đây. Tôi không giải thích mà mong muốn các con đi, trải nghiệm và cảm nhận sự đa dạng của thế giới.
Ngày chia tay Ấn Độ, hai đứa trẻ không chia sẻ nhiều cảm nhận về chuyến đi nhưng chúng quan tâm khi tôi gợi ý về một chuyến khám phá châu Phi.
Độc giả Hằng Bùi
Mời độc giả chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ, kinh nghiệm của bản thân về các hành trình du lịch vào địa chỉ email: [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải tại mục Du lịch. Trân trọng cảm ơn! |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-dinh-ha-noi-tron-tet-tham-an-do-ke-trai-nghiem-thot-tim-o-ngoi-den-thieng-2364551.html
Bình luận (0)