(Dân trí) – Sống trong vùng kháng chiến ngay tại “đất thép thành đồng” Củ Chi, gia đình mẹ Nông từ già đến trẻ đều tham gia cách mạng. Cả nhà có 4 liệt sĩ và 3 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông năm nay đã 87 tuổi, ngụ tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Mẹ khoe đến giờ vẫn còn đủ sức dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng để tự phục vụ bản thân, không cần người chăm sóc. Tiếng mẹ vẫn to, vang, rõ ràng, dứt khoát. Chỉ là câu chuyện kể cho khách nghe có lúc không đầu không cuối, chắp vá những mẩu nhỏ ký ức hằn sâu trong trí óc, khó nhận ra trật tự, logic nào.
Nhưng qua những mẩu ký ức ấy vẫn đủ hiểu về cuộc đời sóng gió, đầy thử thách của mẹ. Chỉ trong 4 năm chiến tranh leo thang, chiến sự ác liệt xảy ra ở vùng kháng chiến Củ Chi đã cướp đi sinh mạng 4 người thân của mẹ.
Đó là ông Kiều Văn Phi, cha ruột của mẹ, hy sinh vào năm 1968; chồng của mẹ là ông Nguyễn Văn Lèo, hy sinh năm 1966; con gái của mẹ là bà Nguyễn Thị Nắng, hy sinh năm 1969; em trai của mẹ là ông Kiều Văn Niêu, hy sinh năm 1967.
Bởi vậy nên gia đình mẹ có đến 3 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là bản thân mẹ Kiều Thị Nông, mẹ ruột của mẹ là cụ bà Lê Thị Tý, mẹ chồng của mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Ớt. Đến nay, chỉ còn mẹ Nông còn sống.
Gia đình mẹ Nông vốn là cư dân lâu đời ở khu vực ấp Đồng Lớn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vùng này thuộc xã Trung Lập, quận Củ Chi, là vùng tranh chấp ác liệt giữa bộ đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Dân xứ này chưa kịp lớn là đã đi theo cách mạng. Gia đình mẹ Nông cũng vậy.
Chồng của mẹ, ông Nguyễn Văn Lèo (bí danh Tư Định) là cán bộ tiếp liệu của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phục vụ cho nhà in đóng tại rừng Sến (Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) của đơn vị này. Không chỉ phục vụ nhà in tại căn cứ, ông Tư Định còn tổ chức nhà mình thành cơ sở bí mật hỗ trợ cho Ban tiếp liệu trong những đợt vận chuyển vật tư, vũ khí.
Năm 1966, trong một trận càn ác liệt, địch bắn pháo cấp tập vào căn cứ của nhà in ở Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, hầm chứa vật tư của nhà in bị trúng pháo, ông Tư Định bị vùi lấp trong hầm.
Mẹ Nông kể: “Sau trận càn, địch vây căn cứ nhiều ngày nên phải 4 ngày sau khi chồng tôi mất, đồng đội mới xuống hầm đưa được thi thể anh ấy lên an táng”.
Đến năm 1967, em ruột của mẹ Nông là liệt sĩ Kiều Văn Niêu, chiến sĩ hậu cần của quân khu Sài Gòn – Gia Định cũng hy sinh trong một trận càn.
Cụ Kiều Văn Phi, cha của mẹ Nông là cán bộ địa phương. Nhà ông là nơi tập kết hàng hóa cung ứng cho bộ đội, nơi họp hành của chi bộ ấp, đảng bộ xã… nên thường xuyên bị địch tập kích.
Bản thân mẹ Nông và mẹ ruột của mình là cụ bà Lê Thị Tý đã nhiều lần bị địch bố ráp, bắt giữ. Cụ Kiều Văn Phi cũng hy sinh trong một trận tập kích bất ngờ của địch đúng lúc đang họp chi bộ ngay tại nhà vào năm 1968.
Còn con gái lớn của mẹ là bà Nguyễn Thị Nắng (SN 1954), chỉ vừa mới lớn đã tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ canh cửa cho cha mẹ, ông bà, cô chú họp hành, tập kết vật tư…
Lớn hơn chút, khi mới 12 tuổi, liệt sĩ Nắng chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm giao liên, trinh sát, hướng dẫn các đoàn vận chuyển nguyên vật liệu từ vùng địch về vùng ta.
Ngày 14/1/1969, sau khi dẫn đoàn vận chuyển hàng hóa, liệt sĩ Nguyễn Thị Nắng đang trên đường về thì cuốn vào trận địa du kích địa phương phục kích Sư 25 chính quyền Việt Nam cộng hòa. Trận ấy, liệt sĩ Nắng hy sinh khi chưa tròn 15 tuổi.
4 năm chiến tranh ác liệt, 4 người thân yêu nhất lần lượt hy sinh, nước mắt mẹ đã cạn trong những ngày tháng đau thương ấy.
Nếu không đủ kiên cường, mẹ Nông đã không thể tiếp tục hoạt động cách mạng, vừa nuôi 4 đứa con còn nhỏ dại của mình và 4 cháu con của liệt sĩ Kiều Văn Niêu, còn nhỏ hơn.
Mẹ Nông kể, ngày ông Tư Định hy sinh, mẹ đang mang thai người con thứ 5. Còn người con gái lớn Nguyễn Thị Nắng khi đó mới 12 tuổi, chính thức nối bước ông cha đi theo con đường cách mạng.
Một mình mẹ Nông khi ấy phải lao động vất vả để nuôi 4 con, 4 cháu nheo nhóc, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao.
Từ khi đến tuổi cập kê, mẹ Nông đã là chiến sĩ quan trọng trong gia đình Phó bí thư chi bộ ấp Kiều Văn Phi, chuyên phụ trách nuôi giấu cán bộ đến nhà họp hành, ẩn núp, hay đơn giản là cán bộ đến nghỉ chân trên đường công tác.
Sau này, khi chồng mẹ (ông Tư Định) tổ chức nhà mình thành nơi hỗ trợ, tiếp tế cho Ban tiếp liệu nhà in của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, mẹ Nông cũng phụ trách cơ sở này.
Đến tuổi thanh niên, mẹ Nông nhận thêm công tác mật, thu nhận xác và chôn cất cán bộ hy sinh trong những trận đánh xảy ra tại địa phương. Từ năm 1961, bà làm thêm nhiệm vụ đấu tranh tuyên huấn, lo công tác phụ nữ, thu mua lúa gạo cho chính quyền vùng bộ đội chiếm lĩnh, tham gia đội an ninh địa phương…
Công tác cách mạng vất vả như vậy nhưng mẹ Nông vẫn phải mưu sinh, đảm bảo miếng ăn, cái mặc và lo ăn học cho 8 con, cháu còn nhỏ dại. Bao nhiêu vất vả đè nặng lên vai người phụ nữ nhỏ bé, gian nan khó mà đo đếm hết được.
Thế mà, kể câu chuyện cuộc đời, mẹ không hề buông một lời thở than. Hồi tưởng những gian khó, những nỗi đau như vậy mà mẹ như kể lại chuyện của ai đó, không liên quan đến mình.
Mẹ chỉ bảo, đến nay, cuộc sống của mẹ khá ổn định, có trợ cấp chính sách của nhà nước để sống an nhàn tuổi già, con cháu đều đã lớn và gia đình êm ấm, công tác ổn định với thu nhập tốt là mẹ yên lòng.
Hiện mẹ Nông sống một mình trong căn nhà xưa của gia đình, vừa làm nơi thờ tự, vừa là nơi cất giữ những tài liệu, kỷ vật gắn liền với thành tích chiến đấu của cha, chồng và con của mẹ.
Trong chiếc tủ trưng bày hiện vật lớn, mẹ cất kỹ những quyển sách có nhắc đến thành tích chiến đấu của người thân trong gia đình, những tờ giấy báo tử… Còn kỷ vật được chia thành từng khu, nơi dành cho cha, nơi cho chồng, nơi cho con gái…
Trên 4 bức tường, mẹ Nông cũng chia từng khoang nhỏ để treo huân huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, giấy chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng… của bản thân, của mẹ ruột, của các liệt sĩ trong gia đình…
Thỉnh thoảng con cháu về thăm mẹ. Vào mùa hè, mẹ còn nhận các cháu sinh viên tình nguyện đến ở cùng để nhà có thêm tiếng nói, tiếng cười. Những đợt lễ tết, chính quyền địa phương, học sinh trong vùng thường xuyên lui tới thăm hỏi, mừng sức khỏe nên mẹ Nông cũng không buồn.
Lọ mọ thắp 5 nén nhang, mẹ Nông cắm lên bàn thờ của cha, mẹ và chồng mình. Mẹ bảo: “Giờ già rồi, ăn uống đạm bạc, cũng không cần gì nhiều. Chỉ mong con cháu bình yên, mạnh khỏe là mẹ mừng”.
Chỉ là, thỉnh thoảng khi được hỏi về những trận chiến mà từng người thân lần lượt ngã xuống, mẹ lại nói lảng sang chuyện khác, vẻ như quên. Nhưng có lẽ mẹ nhớ lắm. Đôi mắt nhoèn nhoèn nước, mẹ đưa ánh nhìn xa xăm…