Những cánh rừng Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn
Những ngày trung tuần tháng 11, vượt quãng đường gần 300km ngược về miền tây xứ Nghệ, chúng tôi tìm đến dãy núi Pu Lon (thuộc bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi nổi tiếng với cánh rừng Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn.
Ông Vừ Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn vui mừng giới thiệu, hơn 100ha với hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu đã và đang phát triển tốt. Cây có tuổi đời 18-20 năm, tạo ra những cánh rừng Pơ mu, Sa mu cao hàng chục mét, thân gỗ có mùi thơm, mang lại giá trị kinh tế cao.
“Hiện nay, việc trồng rừng đối với nhiều người là việc làm bình thường. Thế nhưng, từ hơn 20 năm trước, có những người con đồng bào dân tộc Mông ở Tây Sơn đã biết nghĩ đến việc trồng những cánh rừng Pơ mu, Sa mu để làm giàu cho quê hương là hiếm có.
Bây giờ đến với bản làng ở Tây Sơn chỉ thấy toàn cây Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn. Cuộc sống của bà con làng bản dần ổn định hơn cũng nhờ những cánh rừng này”, ông Vừ Bá Rê chia sẻ.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch xã, người tiên phong tạo ra những cánh rừng Pơ mu và Sa mu này là đại gia đình ông Vừ Rả Tênh (SN 1972), Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn.
Ông Tênh kể, những năm 1996, cụ Vừ Pà Rê (SN 1947, bố của ông) vào dãy núi Pu Lon phát hiện cánh rừng Pơ mu, Sa mu tại đây bị đốn hạ nhiều. Những quả đồi này đã bị dân bản “cạo trọc” để làm rẫy, nhưng sau đó bỏ hoang vì đất không còn dinh dưỡng. Cụ Rê quyết định đi tìm những cây Pơ mu, Sa mu con về trồng trên những cánh rừng bị tàn phá.
“Hồi đó, tôi theo bố cơm đùm, cơm nắm vào rừng tìm cây. Sáng sớm đi, gần trưa mới đến được khu rừng có Pơ mu, Sa mu để nhổ cây. Vài ngày sau mới về nhưng mỗi người cũng chỉ tìm được vài ba chục cây Pơ mu, Sa mu cao vài gang tay.
Bố con tôi mang về đào hố trồng trên các quả đồi ở dãy Pu Lon với quyết tâm phủ xanh đồi trọc. Thời điểm đó, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bố vẫn luôn động viên chúng tôi đồng hành, rừng phải xanh lên thì bản làng, bà con mới vui được”, ông Tênh kể.
Hành trình tự nhân giống cây Pơ mu, Sa mu
Theo ông Vừa Rả Tênh, do việc tìm cây Pơ mu, Sa mu con trở nên khó khăn, bố con ông nghĩ đến cách tự nhân giống. Họ lại khăn gói lên rừng tìm quả Pơ mu, Sa mu nhỏ bằng ngón tay đem về phơi khô, tách hạt để ươm.
“Mỗi quả có 5-10 hạt, nhỏ hơn hạt gạo. Tôi và bố đã mất khá nhiều thời gian trong việc ngâm, ủ và phải chờ đợi khoảng 2 tháng hạt mới nảy mầm. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó chăm sóc. Phải mất đến 5 tháng sau, khi cây cao 20-30cm mới trồng được”, ông Tênh nhớ lại.
Để phủ kín những quả đồi bị “cạo trọc” bằng cây Pơ mu, Sa mu, bố con ông Tênh tiếp tục nhân giống, đồng thời nhờ chính quyền hỗ trợ giống cây con từ nơi khác về.
“Dự án về xã, Nhà nước hỗ trợ tiền công trồng, bố tôi đi vận động bà con cùng tìm Pơ mu, Sa mu nhưng họ nói trồng cây nhỏ xíu như vậy đến bao giờ mới cho gỗ, nên không ai trồng.
Bố tôi vẫn quyết tâm, không ai trồng thì mình phải trồng. Bố con tôi lại tiếp tục băng rừng, lội suối tìm cây. Sau gần 15 năm kiên trì, chăm chỉ, những đồi trọc đã được phủ kín bằng hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu”, ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Rê kể.
Do tuổi cao sức yếu, cụ Rê qua đời khi đã cùng các con trồng thành công những cánh rừng Pơ mu, Sa mu tươi tốt, xanh ngút ngàn trên dãy núi Pu Loi. Cũng từ đó, để thực hiện ước nguyện của người bố quá cố, các con của cụ Rê tiếp tục công việc trồng rừng cho tới nay.
Cánh rừng Pơ mu, Sa mu nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng 3, cách trụ sở UBND xã Tây Sơn khoảng 4km là một khu vực thoai thoải, rộng. Theo người dân địa phương, vào mùa hè, nhiều đoàn từ miền xuôi ngược lên tham quan, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành nơi đây.
Gỗ pơ mu là loại gỗ quý thuộc nhóm I trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ tại Việt Nam, có vân đẹp, nhẹ và bền, không bị mối mọt, có tác dụng xua đuổi côn trùng, theo kinh nghiệm dân gian thì gỗ pơ mu có khả năng chống mối. Đây là loại gỗ quý, trước đây đã bị khai thác rất nhiều nên số lượng ngày càng ít đi.