Tháng 6/2023, một trong những vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng thiếu điện vì hạn hán ở miền Bắc. Điều đó có nghĩa thủy điện gặp nhiều khó khăn nhưng ở chiều ngược lại, nhiệt điện lại được hưởng lợi.
Đặc biệt, giá điện tăng, nhiệt điện càng có nhiều lợi ích hơn nữa. Thế nhưng, thực tế cho thấy, cổ phiếu nhiệt điện không có nhiều biến chuyển đáng kể. Thậm chí, trong tương lai gần, đây không phải là cổ phiếu được giới chuyên gia khuyến nghị đầu tư mạnh.
Cổ phiếu nhiệt điện tăng chậm
Công ty chứng khoán KBSV cung cấp về dữ liệu giá điện thời gian qua. Theo đó, giá thị trường phát điện cạnh tranh tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu điện. Giá CGM tháng 5/2023 ghi nhận 1.942,58 VNĐ/kWh (tăng 71% so với năm trước). Luỹ kế 5 tháng đầu năm, giá CGM đạt trung bình 1.789 VND/kWh (tăng 20% theo năm).
“Tình hình thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng thuỷ điện khiến hệ thống không đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong mùa nắng nóng. Đặc biệt, miền Bắc phụ thuộc huy động chủ yếu từ các nhà máy thuỷ điện và nhiệt điện. Điều này khiến giá điện CGM tăng cao đột biến do cung không đủ đáp ứng nhu cầu, thậm chí một số nhà máy phải đổ dầu vào chạy nhằm đảm bảo cung ứng điện khiến chi phí sản xuất tăng theo”, KBSV bình luận.
Theo Công ty chứng khoán Yunta, nhiệt điện than, chiếm 33% công suất hệ thống, sẽ được hưởng lợi từ tình hình này vì nhiệt điện sẽ được huy động cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện.
Dù giá điện tăng mạnh và được hưởng lợi vì thủy điện gặp khó nhưng cổ phiếu nhiệt điện lại không “nóng” theo giá điện và tình hình thiếu điện.
Cụ thể, PPC của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại – anh cả ngành nhiệt điện chỉ tăng nhẹ suốt thời gian qua. Đóng cửa phiên giao dịch 5/7, PPC dừng ở mức 16.100 đồng/CP, tăng 600 đồng/CP, tương đương 3,9% so với phiên cuối cùng của tháng 5.
BTP của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa cũng nhích lên từng bước. Sau hơn 1 tháng giao dịch, BTP “chốt” phiên 5/7 ở mức 15.800 đồng/CP sau khi tăng 200 đồng/CP, tương đương 1,3% so với phiên 31/5/2023.
Cổ phiếu HND của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng đi lên rất nhẹ khi tăng 730 đồng/CP, tương đương 4,9% lên 15.700 đồng/CP.
Cổ phiếu NBP của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa thậm chí còn “cài số lùi”. Đóng cửa phiên chứng khoán 5/7, NBP dừng ở mức 13.700 đồng/CP, giảm 1.300 đồng/CP, tương đương 8,7%.
Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng đi lùi khi giảm từ 13.650 đồng/CP xuống 13.500 đồng/CP.
Vẫn không được khuyến nghị đầu tư mạnh
Về lý thuyết, khi giá điện tăng cao và đối thủ (thủy điện) gặp nhiều khó khăn, nhiệt điện được đánh giá là hưởng lợi trong tháng 6 vừa qua. Trong tương lai gần, ngành này vẫn được đánh giá cao.
KBVS duy trì quan điểm về triển vọng phân hoá giữa các nhóm nguồn điện trong quý 3/2023 với ưu thế nghiêng về ngành điện.
Cụ thể, theo KBSV, tới đây, với ngành thủy điện, thời tiết không thuận lợi làm giảm sản lượng của các nhà máy thuỷ điện. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả kinh doanh của các nhà máy thuỷ điện sẽ bị ảnh hưởng nhiều, nhất là những giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm.
Với nhiệt điện, KBVS bình luận thuỷ điện gặp khó mở ra dư địa huy động nhiều hơn cho nhóm nhiệt điện. Đặc biệt, các nhà máy tại miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều do huy động phụ thuộc vào 2 nhóm nguồn phát chính mà không có nhiều nguồn thay thế.
Bên cạnh đó, giá than và giá khí đầu vào có xu hướng hạ nhiệt cũng là yếu tố tích cực của nhóm này.
“Mặc dù vẫn có quan điểm tích cực về ngành, KBSV cho rằng các nhà đầu tư chỉ nên tham gia mở vị thế với các cổ phiếu ngành điện khi giá xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu và tạo ra các mức upside đủ hấp dẫn theo khẩu vị của từng nhà đầu tư”, KBSV không đánh giá cao cổ phiếu ngành nhiệt điện.