Ngày 27/4/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Với mức như hiện nay, giá điện tăng tác động không nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ngay sau khi giá điện tăng, rất nhiều người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới mức tăng tiền điện hằng tháng của gia đình mình. Để tính toán mức tăng hằng tháng, EVN đã phân loại nhóm khách hàng sử dụng điện và tính mức giá điện tăng khách hàng phải trả thêm so với giá điện cũ. Cụ thể, với mức điều chỉnh mới, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ.
Cũng theo EVN cho biết, hiện trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng. Đối với hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.
Với mức tính toán trên, khi giá điện tăng tác động không nhiều đến đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Văn Trương, ở tổ dân phố số 1, Phường Minh Khai (TP Phủ Lý) cho biết: Bình quân mỗi tháng gia đình tôi sử dụng từ 300 kWh điện, nếu như giá điện mới tăng thêm gần 20 nghìn tháng, tôi có thể chấp nhận được và không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình. Chúng tôi chỉ kiến nghị ngành điện tính toán thời điểm tăng giá cho những lần sau sao cho phù hợp để bảo đảm đời sống của người dân. Việc tăng tiền điện sẽ tác động tới người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn.
Còn ông Trần Doãn Hinh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hòa (Lý Nhân) cho biết: Có những tháng cao điểm doanh nghiệp sử dụng 500 – 600 triệu đồng tiền điện. Nếu tính theo giá mới tăng khoảng 3%, một tháng doanh nghiệp phải nộp thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng. Đối với mức tăng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi giá điện tăng, giá nước tăng, các mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng, doanh nghiệp sẽ phải chi phí sản xuất cao hơn, trong khi đó sản phẩm sản xuất ra tăng chậm, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp.
Trước khi tăng giá điện, vào ngày 31/3/2023, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công thương xem xét trước đó.
Công ty Điện lực Hà Nam đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc chốt công tơ điện cho khách hàng và gửi thông tin cho khách hàng theo hình thức, tin nhắn, zalo… bảo đảm thực hiện tăng giá điện đúng quy định.
Trần Thoan