Đài CNBC ngày 5.6 đưa tin giá dầu tăng vọt sau quyết định cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Xê Út.
Trước đó, vào ngày 4.6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, thường gọi chung là nhóm OPEC+, đã quyết định không giảm thêm sản lượng dầu trong năm nay. Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út, quốc gia đứng đầu OPEC+ thông báo sẽ tự làm điều đó.
Cụ thể, Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê Út cho biết sản lượng của nước này sẽ giảm xuống còn 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, từ mức khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Đây là mức giảm lớn nhất trong nhiều năm, được cho là một bước đi nhằm đẩy giá dầu tăng trở lại, theo hãng tin Reuters.
Ngay sau thông báo trên, các hợp đồng mua dầu Brent đã tăng 2,4%, lên mức 78 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu ngày 5.6 ở châu Á, trong khi giá dầu West Texas Intermediate tăng 2,5%, lên 73,53 USD/thùng.
Chủ tịch tập đoàn năng lượng Rapidan Energy (Mỹ) Bob McNally nói với CNBC sau quyết định của Ả Rập Xê Út: “Thị trường không kỳ vọng nhiều vào quyết định đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày của nước này”.
“Điều đó một lần nữa chứng minh rằng Ả Rập Xê Út sẵn sàng hành động đơn phương để ổn định giá dầu”, ông McNally nói, nhắc lại việc gã khổng lồ dầu mỏ đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 1.2021.
Từ năm 2022 đến nay, OPEC+ đã cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 2 triệu thùng/ngày mà khối thống nhất từ tháng 10.2022 và mức giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày được thông qua vào tháng 4. Những sự cắt giảm đó có hiệu lực cho đến cuối năm 2023 nhưng vào ngày 4.6, OPEC+ đã thông nhất sẽ gia hạn đến cuối năm 2024.