Theo dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TPHCM được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trình UBND TPHCM hôm nay (16/10), khu vực đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) là nơi có giá đất cao nhất với 687 triệu đồng/m2.
Mức giá này cao hơn gấp 4 lần so với bảng giá trước đây (162 triệu đồng) song đã giảm so với dự thảo bảng giá đất lần trước là 810 triệu đồng.
Một số khu vực khác tại trung tâm TPHCM có giá đất ở cao theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là đường Lê Thánh Tôn với 491 triệu đồng/m2 (trước đây là gần 116 triệu đồng/m2), đường Công Trường Lam Sơn với 491 triệu đồng/m2 (trước đây là 115,9 triệu đồng/m2), đường Lê Duẩn với 466,7 triệu đồng/m2 (trước đây là 110 triệu đồng/m2)…
Tại quận 3, dự thảo mới nhất của bảng giá đất điều chỉnh đã có xu hướng giảm so với bảng giá đề xuất trước đây. Trong đó, tuyến đường có giá đất cao nhất là đường Công Trường Quốc Tế với 340,2 triệu đồng/m2, thay vì lên đến 420 triệu đồng/m2 như đề xuất trước đó (theo bảng giá cũ là 79,2 triệu đồng/m2).
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là giá đất vùng ven, các huyện ngoại thành tăng lên quá cao trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần trước. Trong dự thảo mới nhất, giá đất tại các khu vực này đã giảm đáng kể.
Theo dự thảo cũ, đường Song Hành Quốc lộ 22 có giá đất 71 triệu đồng/m2, gấp hơn 50 lần giá cũ là 1,4 triệu đồng/m2 khi chưa tính đến hệ số điều chỉnh giá đất. Tại dự thảo mới nhất, giá đất tại khu vực này chỉ còn 32,2 triệu đồng/m2.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT TPHCM, dự thảo giá đất mới có điều chỉnh so với bản cũ là xem xét cân đối giá đất ở các địa bàn giáp ranh. Ngoài ra, bảng giá đất điều chỉnh sẽ bằng với khoảng 50% giá thị trường.
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trước đây của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, giá đất ở đô thị đều tăng từ 5 lần đến 20-30 lần so với bảng giá áp dụng từ năm 2020. Tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1), giá đất ở cao nhất lên tới 810 triệu đồng/m2.
Một số tuyến đường khác thuộc trung tâm thành phố cũng có giá vài trăm triệu đồng/m2, tăng 5 lần so với giá cũ như Công trường Lam Sơn (579,5 triệu đồng/m2), đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành, 528 triệu đồng/m2), Công xã Paris, Công trường Mê Linh (484 triệu đồng/m2).
Tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường cũng tăng giá nhiều lần. Đường Trần Não tăng từ 13-22 triệu đồng/m2 lên 149 triệu đồng/m2. Các tuyến đường nằm ở phường Thảo Điền trước đây chỉ có giá khoảng 7,8 triệu đồng/m2, thì giá dự kiến tăng lên từ 88 – 120 triệu đồng/m2.
Tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất theo bảng giá điều chỉnh cũ cũng tăng cao, có nơi tăng 20-30 lần so với bảng giá đất cũ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/gia-dat-o-tai-tphcm-cao-nhat-687-trieu-dongm2-theo-du-thao-moi-nhat-20241016212440163.htm