Điều kiện người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam theo Luật Nhà ở 2023, Lâm Đồng sắp điều chỉnh bảng giá đất, Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra dự án nghìn tỷ trên ‘đất vàng”… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo các quy định. (Ảnh: Linh An) |
Lâm Đồng sắp điều chỉnh bảng giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng vừa trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Sở Tài chính thẩm định dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 1/1/2026.
Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024 đã được ban hành vào tháng 1/2020, trên cơ sở khung giá đất theo Nghị định số 96/2019. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 không còn quy định về khung giá và hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K).
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường, đoạn đường hiện nay chưa được cập nhật vào bảng giá, gây khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính như: Tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất; tính tiền giao đất và cho thuê đất; xác định tiền bồi thường khi thu hồi đất; các khoản thuế, phí…
Do vậy, bảng giá giai đoạn 2020-2024 phải được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường để áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 1/1/2026, tức thời điểm áp dụng bảng giá đất lần đầu theo Luật Đất đai năm 2024.
Theo dự thảo, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng trình bảng giá đất điều chỉnh của TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và 10 huyện. Tuy nhiên, do thị trường không có nhiều biến động nên đa số các địa phương không có sự điều chỉnh về giá đất và hệ số K.
Cụ thể, huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà có bổ sung vào bảng giá đất điều chỉnh các tuyến đường, đoạn đường mới do được đầu tư, nâng cấp. Giá đất của các tuyến đường, đoạn đường mới này được đề xuất trên cơ sở điều tra, khảo sát thị trường.
Tại huyện Đơn Dương, do cùng khu vực 2 nhưng giá đất trên một số đoạn đường vẫn còn thấp nên đề xuất gộp chung lại. Ở huyện Lâm Hà, một đoạn đường đề xuất điều chỉnh giá đất do mới được đầu tư, nâng cấp. Tại một số huyện khác có sự điều chỉnh số thửa, tờ bản đồ và chỉnh sửa một số sai sót cho đúng với thực tế.
Riêng TP Đà Lạt, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết, ngày 12/8 vừa qua, địa phương này có gửi tờ trình kèm hồ sơ liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất. Tuy nhiên, ngày hôm sau, UBND TP Đà Lạt đã thu hồi tờ trình này với lý do cần kiểm tra, làm rõ một số nội dung.
Đến ngày 22/8, UBND TP Đà Lạt có văn bản xin gia hạn thời gian góp ý dự thảo trong khi chờ ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy. Để đảm bảo thời gian hoàn thiện dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, Sở TN&MT đã trình tờ trình ngày 12/8 của UBND TP Đà Lạt.
Sở này đề nghị UBND TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và 10 huyện chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan đến phương án điều chỉnh bảng giá đất để thuyết minh trước Hội đồng thẩm định bảng giá đất Lâm Đồng.
Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định bảng giá đất tỉnh sẽ thẩm định, cho ý kiến để Sở TN&MT hoàn chỉnh dự thảo điều chỉnh bảng giá đất và thực hiện các bước tiếp theo.
Theo dự thảo điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của tỉnh Lâm Đồng, tại TP Đà Lạt, giá đất nông nghiệp cao nhất 1,2 triệu đồng/m2, giá đất ở nông thôn cao nhất 4,83 triệu đồng/m2. Giá đất ở cao nhất tại TP Đà Lạt là 72,8 triệu đồng/m2, thuộc về Khu Hoà Bình (tất cả đường, kể cả khu vực bến xe nội thành) và tất cả đường Nguyễn Thị Minh Khai.
So với bảng giá trước khi điều chỉnh, xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Đà Lạt dự kiến tăng 6 lần, giá đất ở nông thôn tăng 2,3 lần, giá đất ở đô thị tăng 1,3 lần.
Tại TP Bảo Lộc, giá đất nông nghiệp dự kiến điều chỉnh cao nhất 546 nghìn đồng/m2, giá đất ở nông thôn cao nhất 9,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất 35,1 triệu đồng/m2 thuộc về đường Lê Hồng Phong, đoạn từ sau đường Kim Đồng đến hết đường Trần Phú.
So với bảng giá đất trước điều chỉnh, nếu xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Bảo Lộc dự kiến tăng 4,3 lần, giá đất ở nông thôn tăng hơn 2 lần và giá đất ở đô thị tăng 1,8 lần.
Trước đó, ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ký công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra dự án nghìn tỷ trên ‘đất vàng”
Ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa có ý kiến chỉ đạo, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, UBND TP Thanh Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh việc chậm trễ trong việc thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam TP Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị nói trên tham mưu cho ủy ban tỉnh chỉ đạo, xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/9.
Trước đó, tháng 3/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị phía đông đại lộ Bắc Nam TP Thanh Hóa, thuộc địa giới hành chính các phường Nam Ngạn, Đông Thọ và Hàm Rồng. Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Điện tử tin học viễn thông EITC và Công ty cổ phần Đầu tư Fortune.
Diện tích thực hiện dự án 54ha, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn đang triển khai ì ạch, chưa xong phần hạ tầng của dự án.
Cùng ngày 26/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã ký văn bản gia hạn việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam, TP Thanh Hóa.
Cụ thể, đối với phần diện tích (53,74ha) đã giao cho nhà đầu tư, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình chậm nhất đến tháng 4/2025.
Với phần diện tích còn lại (khoảng 1,1ha) chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), thời gian hoàn thành GPMB chậm nhất đến ngày 30/6/2025 và chậm nhất trước ngày 31/3/2026 phải hoàn thành các hạng mục công trình.
Văn bản này nhấn mạnh “đây là lần gia hạn cuối cùng”.
Theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân của việc chậm trễ là do dự án chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hậu đại dịch, giá vật liệu tăng cao, suy thoái kinh tế, thị trường BĐS trầm lắng… do đó nhà đầu tư không thể hoàn thành kịp tiến độ dự án theo quy định.
Bình Dương: Sẽ công khai khu vực được chuyển nhượng đất cho cá nhân tự xây nhà
UBND tỉnh Bình Dương đang lấy ý kiến dự thảo Quy định các khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn.
Bình Dương sẽ công bố khu vực được chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho cá nhân tự xây nhà ở. (Ảnh minh họa – Nguồn: Báo XD) |
Theo đó, tỉnh sẽ công bố các khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn. Các dự án BĐS phải không thuộc các khu vực gồm: Dự án BĐS không thuộc địa bàn các phường, xã của thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát; Dự án không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với khu vực trên địa bàn tỉnh được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo gửi cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh BĐS cấp tỉnh nơi có dự án và được cơ quan quản lý Nhà nước trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS đủ điều kiện được chuyển nhượng.
Đối với dự án BĐS mà UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận hoặc cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật dưới hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục thực hiện theo văn bản của UBND tỉnh nhưng phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại Điều 28, Điều 29, khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7 và khoản 8 Điều 31, Điều 32 Luật Kinh doanh BĐS và Điều 9 Nghị định số 96/2024/NĐ-CP.
Dự án BĐS đã đáp ứng yêu cầu đối với dự án đầu tư BĐS để kinh doanh theo quy định của Luật số 66/2014/QH13 trước ngày Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành thì không phải đáp ứng các yêu cầu đối với dự án BĐS quy định tại Điều 11 của Luật Kinh doanh BĐS; trường hợp dự án BĐS thực hiện thủ tục điều chỉnh sau ngày Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành thì phải đáp ứng các yêu cầu đối với dự án BĐS theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Điều kiện người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam theo Luật Nhà ở 2023
Tại Khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài); Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Điều 18 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này phải là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về kinh doanh BĐS.
Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này phải không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo các quy định nêu trên.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-gia-dat-da-lat-sau-dieu-chinh-yeu-cau-kiem-tra-du-an-nghin-ty-dieu-kien-nguoi-nuoc-ngoai-so-huu-nha-tai-viet-nam-284021.html