Các chính sách được ban hành trong năm 2023 sẽ “ngấm” trong năm nay; giá chung cư neo cao, thiếu hụt nguồn cung trầm trọng; Vĩnh Phúc công khai danh sách dự án chậm tiến độ… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Nhìn chung, trong năm 2023, lượng tồn kho bất động sản trong các dự án đối với các phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm. (Ảnh minh họa – Nguồn: TTXVN |
Thiếu hụt nguồn cung nhà ở lớn nhất 10 năm qua
Thông tin về thị trường mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý IV/2023, nguồn cung BĐS có sự chuyển biến theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, về tổng thể, nguồn cung BĐS trong năm 2023 còn hạn chế so với năm 2022.
Cụ thể, so với quý III cùng năm, quý IV/2023 có số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 104,26%; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành bằng 119,05%; số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành bằng 188%.
Về tồn kho BĐS, Bộ dẫn chứng số liệu báo cáo của 53/63 địa phương cho thấy, lượng tồn kho BĐS tại các dự án trong quý IV vào khoảng 16.315 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền).
Cụ thể, chung cư 2.826 căn; nhà ở riêng lẻ 5.173 căn; đất nền 8.316 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.
“Nhìn chung, trong năm 2023, lượng tồn kho BĐS trong các dự án đối với các phân khúc nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền có xu hướng giảm”, Bộ Xây dựng thông tin về thị trường BĐS quý IV/2023.
CBRE Việt Nam (thuộc Tập đoàn Đầu tư và Kinh doanh BĐS quốc tế CBRE) cho biết, năm 2023, nguồn cung nhà ở tiếp tục hạn chế. Nguồn cung nhà ở mở bán mới tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM đều ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong khi Hà Nội có tổng cộng gần 10.300 căn hộ chung cư và 2.600 căn nhà thấp tầng được mở bán (giảm lần lượt 32% và 84% so với năm 2022), thì tại TPHCM, nguồn cung còn giảm mạnh hơn, chỉ có tổng cộng hơn 8.700 căn hộ chung cư và 30 căn nhà ở thấp tầng được mở bán (giảm lần lượt 54% và 98% so với năm 2022).
Nhiều chuyên gia BĐS cũng kỳ vọng, trong năm nay, nguồn cung mới sẽ tăng trưởng trở lại ở hai thành phố lớn của cả nước. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội được dự báo tăng mạnh bởi chỉ tiêu Chính phủ giao phát triển phân khúc nhà ở này trong năm nay rất cao.
Dự báo về thị trường BĐS trong năm nay, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) – cho rằng, niềm tin với thị trường sẽ dần được vực dậy khi khoảng 20 cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường BĐS đã ban hành trong năm 2023 sẽ “ngấm” và phát huy tác động tích cực. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của ngân hàng hạ thấp kỷ lục trong năm 2023 khiến một lượng tiền không nhỏ tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có BĐS.
Theo bà Dương Thùy Dung – Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam – trong năm nay, nguồn cung mới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Trong ngắn hạn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, trong khi nhu cầu lớn sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao.
Thị trường Hà Nội dự kiến ghi nhận gần 16.000 căn hộ chung cư và hơn 6.000 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới. Còn tại TPHCM, nguồn cung dự kiến duy trì hạn chế, đón nhận lần lượt hơn 9.000 căn hộ chung cư và 1.000 căn nhà ở thấp tầng.
Trước đó, giới chuyên gia đánh giá thị trường BĐS năm nay kỳ vọng phục hồi, nhất là khi hàng loạt luật quan trọng được thông qua. Các yếu tố về chính sách, pháp lý đang trong lộ trình được sửa đổi và thông qua, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất sẽ góp phần khiến niềm tin thị trường được cải thiện.
Lãi suất cho vay giảm, giá nhà vẫn đắt
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà 1-2% so với cuối năm ngoái.
Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đều giảm 1-1,5% so với cuối năm, còn nếu so với cùng kỳ 2023, mức lãi vay hiện thấp hơn 2-3%.
Lãi suất cho vay mua nhà của nhóm Big 4 đang dao động ở mức từ 6,4-7%/năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi những năm sau được tính bằng lãi suất huy động của 4 ngân hàng Big 4 cộng với biên độ 3,5%.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 5,9-10,5%/năm. Khi hết thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi, khoản vay sẽ phải chịu mức lãi suất thả nổi, rơi vào khoảng 11-13%/năm.
Chuyên gia BĐS cho rằng, lo lắng về lãi suất thả nổi và giá nhà tăng cao là rào cản chính khiến người dân có nhu cầu thực vẫn e dè trong việc vay mua nhà dù lãi suất đã hạ.
Bên cạnh đó, giá nhà đất và chung cư trong những năm qua cũng đã tăng mạnh. Theo Savills Việt Nam, trong 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%.
Cụ thể, trong quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Giá nhà tăng trong khi thu nhập của nhiều người lại giảm hoặc thiếu ổn định sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khó khăn chung từ nền kinh tế. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại không đủ khả năng “gánh nợ” nếu dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà. Số khác thì vẫn chưa mạnh dạn xuống tiền vì kỳ vọng sắp tới giá nhà đất, chung cư sẽ hạ nhiệt khi nguồn cung được khơi thông.
Savills Hà Nội cho hay, dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có khoảng 86.500 căn hộ từ 98 dự án mở bán, tuy nhiên, không tránh khỏi việc căn hộ hạng B (phân khúc trung cấp) vẫn chiếm tỉ trọng cao. Dù vậy, việc nguồn cung mới được bổ sung vào thị trường sẽ có thể tác động tới điều chỉnh lại mặt bằng giá và cải thiện số lượng căn hộ bán ra.
Phát biểu tại một diễn đàn BĐS mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, còn hai thách thức đối với thị trường BĐS 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm.
Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các doanh nghiệp BĐS thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Vĩnh Phúc: Công bố danh sách các dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công khai 20 dự án chậm tiến độ, trong đó có Khu dịch vụ Sông Hồng Thủ Đô Bắc Đầm Vạc của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô; Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm của CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị…
Trong đó, dự án lớn của CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô bị điểm tên là Khu dịch vụ Sông Hồng Thủ Đô Bắc Đầm Vạc. Theo tiến độ dự án được duyệt là từ tháng 8/2018-2/2021.
Tiếp theo là Dự án Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 – Đại Lải do CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Đại Lải (tên cũ là CTCP Vinaconex 3 – Tập đoàn Mê Kong) làm chủ đầu tư (tiến độ quý IV/2022). Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm của CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị. Theo tiến độ được duyệt, dự án phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong năm 2022.
Ngoài ra, còn có dự án: Khu phố mới FairyTown phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên do CTCP Fairyland làm chủ đầu tư; Khu nhà ở hỗn hợp văn phòng dịch vụ tại Khu đô thị chùa Hà Tiên của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Vĩnh Phúc (hết tiến độ vào quý IV/2015).
Khu phố thương mại truyền thống Shophouse Thổ Tang tại thị trấn Thổ Tang, xã Tân Tiến, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường của CTCP Đầu tư An Huy (tiến độ hết 2021); Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường của CTCP BQL Real (tiến độ 60 tháng kể từ ngày 20/9/2021).
Tiếp theo danh sách dự án chậm tiến độ bị công khai là Dự án Khu nhà ở đô thị tại phường Khai Quang, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên của CTCP Đầu tư và dịch vụ T&T. Tiến độ dự án 21 tháng kể từ ngày được điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, từ 18/5/2021-18/01/2023.
Khu nhà ở đô thị tại phường Đồng Tâm và phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên của Công ty TNHH Xây dựng Phát triển hạ tầng Vân Hội (tiến độ quý I/2020 – quý IV/2021); Khu nhà ở đô thị Việt Thành tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên của CTCP BĐS Việt Thành (thời gian hoàn thành toàn bộ dự án là tháng 12/2020); Tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn 5 sao và khu nhà ở Bảo Quân của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân (tiến độ 2017-12/2019).
Có 2 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ trong danh sách là Khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà (60 tháng từ tháng 12/2018 – quý IV/2023); Khu nhà ở xã hội cao tầng cho công nhân tại khu vực Gốc Nụ, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên của CTCP Tư vấn Xây dựng và Thương mại Doanh Gia (24 tháng kể từ ngày 7/12/2021)…
Top 10 Chủ đầu tư BĐS ấn tượng năm 2023
Top 10 Chủ đầu tư BĐS ấn tượng năm 2023 chính thức được Báo Xây dựng tôn vinh tại Thành phố Hồ Chí Minh trong sự kiện thu hút hàng ngàn đại diện doanh nghiệp BĐS tham dự.
Lễ công bố Top 10 Chủ đầu tư BĐS ấn tượng năm 2023. (Nguồn: BXD) |
Năm 2023, thị trường BĐS đã đi qua giai đoạn khó khăn. Nhưng trong bối cảnh đó, có nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn nỗ lực vượt khó, bền bỉ thích nghi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt được những thành tích tốt. Đó là nguồn động lực và truyền cảm hứng xứng đáng được nhìn nhận, tôn vinh và trân trọng.
Với ý nghĩa và tinh thần đó, trong khuôn khổ Diễn đàn “Thị trường BĐS năm 2024 – Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” diễn ra vào chiều 18/1 tại Phòng họp Hội nghị dự án Global City (phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Biên tập Báo Xây dựng và Hội đồng đánh giá độc lập đã lựa chọn và tôn vinh Top 10 Chủ đầu tư BĐS ấn tượng năm 2023.
Theo đó, Top 10 Chủ đầu tư BĐS ấn tượng năm 2023 bao gồm các đơn vị: Công ty Cổ phần Vinhomes; Công ty TNHH Phát triển BĐS Mastersie Homes; Tập đoàn Sun Group; Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Taseco; Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long; Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark; Tổng Công ty Viglacera – CTCP; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia.