Căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây. Tính đến quý I/2024, giá trung bình đạt 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, thị trường chung cư Hà Nội đang diễn ra tình trạng cung cầu không cân đối, nguy cơ gây hiện tượng “bong bóng”.
Dẫn chứng việc nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, có dự án tăng hơn 30%, với giá lên đến hơn 100 triệu đồng/m2, ông Nghĩa cho rằng đây là vấn đề cần phải cảnh báo, nếu không thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng không thể kiểm soát.
“Tôi đã từng cảnh báo rằng phân khúc chung cư đang bắt đầu có dấu hiệu của “bong bóng” và không khéo sẽ lại là sự thật. Đến một ngày, khi cung không còn nữa mà cầu vẫn tiếp tục tăng, đường cung và đường cầu sẽ như đi song song, không gặp được nhau. Thậm chí, có tình trạng một người có nhà và có thể bán được nhưng họ nghĩ giá còn lên nữa nên găm hàng không bán, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng”, ông Nghĩa nói.
Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc – cũng phân tích: Trong quý IV/2023, giá các dự án chung cư ở Hà Nội tăng 5-7%. Tiếp đó, quý I/2024, giá chung cư tăng tiếp 6-8%. Riêng trong 2 quý gần đây, thị trường chung cư ở Hà Nội đã tăng 10-12%.
“Đây là hiện tượng lạ khi giá chung cư ở Hà Nội bị đẩy lên mức cao trong thị trường bất động sản đang đi xuống“, ông Quyết nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quyết, chung cư tăng quá cao sẽ vượt sức mua của người dân và lôi cuốn nhóm đầu cơ. Sau một thời gian, các nhà đầu tư, đầu cơ lại cắt lỗ, dẫn tới rủi ro cho thị trường.
“Bong bóng” chung cư sẽ hình thành khi giá tăng quá mức so với giá trị thực của nó. Hiện tượng này bắt nguồn từ sự gia tăng đột biến về nhu cầu mua nhà đất trong khi nguồn cung còn hạn chế. Khi nhận thấy cơ hội, các nhà đầu cơ ồ ạt đổ tiền vào thị trường nhằm kiếm lời, thúc đẩy nhu cầu càng tăng cao.
Bong bóng chỉ dừng lại khi bị vỡ. Đó chính là lúc nhu cầu suy giảm hoặc chững lại và khiến giá của loại tài sản này lao dốc thê thảm, thị trường nhanh chóng sụp đổ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận xét giá chung cư Hà Nội thời gian qua đã tăng nóng 30-40%, rồi nhiều chủ đầu tư chuẩn bị ra hàng cũng dự định nâng giá bán. Ông cảnh báo điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra trên thị trường.
Ông Thịnh kiến nghị cơ quan quản lý cần tháo gỡ ách tắc về pháp lý triệt để, tăng số lượng sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự cạnh tranh. “Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là giải pháp quan trọng để thay đổi tình trạng khủng hoảng hiện nay”, ông Thịnh nói.
Còn theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, đang có những cơn sốt nhỏ ở phân khúc căn hộ.
Theo bà Hằng, nguồn cung chung cư tiếp tục khan hiếm. Trong quý I vừa qua, nguồn cung sơ cấp trên toàn thị trường đạt 12.928 căn tăng 9% theo quý nhưng giảm 34% theo năm. Trong khi nguồn cung căn hộ giữ ở mức thấp trong suốt một thời gian dài thì ở phía nguồn cầu, bên cạnh nhu cầu mua nhà của người dân bị dồn nén trong suốt một thời gian dài, thị trường còn đón nhận một lượng cầu mới từ phía các nhà đầu tư.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản, đặc biệt các chung cư có dấu hiệu tăng giá bất thường.
Qua đó, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có).
“Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo có hiệu quả nội dung nêu trên và có báo cáo gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 20/4“, văn bản nêu.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển biến khởi sắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, báo chí phản ánh tại một số khu vực, dự án, khu chung cư có căn hộ, nhà ở với mức giá cao bất thường; có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ.