Thời điểm này, cây cau đang cho thu hoạch rộ. Cơn sốt cau tươi không chỉ diễn ra ở miền Trung – Tây Nguyên mà ở các tỉnh phía Bắc, giá cau cũng “nhảy múa” từng ngày.
Tại thành phố Hà Nội, giá cau tươi được các thương lái thu mua ở mức dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg và tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới.
Giá cau tươi tại Hà Nội lập đỉnh mới khiến cơn sốt về loại quả này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Bảo An |
Dẫn chúng tôi vào vườn cau với hơn 100 gốc, ông Dũng (ở xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ) cho biết: “Năm nay cau giá cao, nhưng lại mất mùa. Mỗi ngày thấy giá tăng lại thấy tiếc vì không phải năm nào giá cũng cao như năm nay. Rất có thể sau đợt bão giá, vài năm nữa giá cau lại rớt thê thảm”.
Cạnh vườn của gia đình ông Dũng, vườn cau của ông Mai dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều thương lái đến đặt cọc, ngỏ lời mua cả cau non nhưng ông Mai vẫn chưa vội nhận cọc và chờ giá cau tăng thêm mới bán.
Anh Tình – thương lái tại địa bàn Hà Nội những ngày qua tất bật tìm mua ở các nhà vườn để tận dụng thời gian “bão giá” cau. Ảnh: Bảo An |
Những ngày này, tại các điểm mua cau ở một số xã của huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, thành phố Hà Nội nhộn nhịp xe máy chở cau ra vào. Tại điểm mua cau của ông Hùng (ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) chỉ trong buổi sáng có hàng chục xe máy của thương lái trong vùng tấp nập mang đến bán hàng tấn cau tươi.
Ông Hùng cho biết, cơn sốt cau diễn ra hơn 2 tháng nay. Đến thời điểm hiện tại, giá cau vẫn tăng kỷ lục theo từng ngày và sẽ không ngừng tăng từ nay cho đến Tết Nguyên đán.
Theo lý giải của ông chủ thu mua cau, do năm nay cau mất mùa; trong khi đó, nhu cầu thu mua lớn từ cau sơ chế của Trung Quốc khiến loại quả này “cháy hàng”.
Theo ông Hùng, giá cau lễ lên tới hơn 100 nghìn đồng/kg vẫn đang cháy hàng. Ảnh: Bảo An |
“Có thời điểm gia đình tôi nhập vào gần 3 tấn cau mỗi ngày. Chỉ mất công thu mua, sau đó ô tô sẽ đến tận nhà chở đi các điểm sơ chế. Đến thời điểm này, lượng cau tươi đang khan hiếm và xuất hiện nhiều điểm thu mua khác nên mỗi ngày chỉ mua được khoảng hơn 1 tấn”, ông Hùng nói và cho biết thêm, chưa khi nào cơn sốt cau lớn như vậy.
Hiện tại, điểm của ông Hùng mua lại cau của thương lái hái ở các vườn với giá từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg, tùy loại. Giá cau tươi tăng chóng mặt, kéo theo giá cau lễ cũng tăng và lập đỉnh mới hơn 100 nghìn đồng/kg.
Tận tay tỉ mỉ tỉa tót buồng cau lễ, ông Hùng cho hay, giá cau lễ chủ yếu bán theo quả từ 3 – 6 nghìn/quả, tùy vào cau đẹp hay xấu. Còn bán theo buồng cân lên, cau lễ có thời điểm được bán với giá 120 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không có hàng để bán.
Giá cau tăng kỷ lục khiến thương lái đối diện với rủi ro bởi “cau tặc” và bị nhà vườn “quay xe” Ảnh: Bảo An |
Hối hả sau gần một buổi đến các nhà vườn thu mua cau, anh Tình – một thương lái trên địa bàn Hà Nội cho biết, giá cau tăng kỷ lục khiến những thương lái như anh có thêm thu nhập, nhưng phải đối diện với nhiều rủi ro và lo ngại nhất là vấn đề “cau tặc” hoặc bị chính các nhà vườn “quay xe” trả cọc rồi bán tháo khi có người trả giá cao hơn.
“Cau đắt, để có nguồn hàng, chúng tôi phải đặt cọc tiền cho các nhà vườn. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn bị trộm viếng thăm hoặc chính chủ vườn giở trò “quay xe” khiến việc mua cau gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận nguồn hàng trở nên dè dặt”, anh Tình nói.
Việc giá cau phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên khó giữ được sự ổn định. Có năm, giá cau lên tới 70 nghìn đồng/kg, nhưng chỉ vài ngày sau, giá cau tụt xuống chỉ còn dưới 10 nghìn đồng/kg.
Sự thiếu ổn định về giá khiến nhiều hộ dân ở ngoại thành Hà Nội không mặn mà với cây cau, họ chủ yếu trồng xung quanh các vườn cây ăn quả để có thêm thu nhập.
Trước diễn biến bất ngờ năm nay, giá cau cao, nhiều địa phương vẫn khuyến cáo người dân cẩn trọng, không ồ ạt mở rộng diện tích chạy theo giá cả…
Nguồn: https://congthuong.vn/ha-noi-gia-cau-lap-dinh-moi-hon-100-nghin-dongkg-thuong-lai-so-dieu-gi-352749.html