Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giá cát tại Hà Tĩnh đắt hơn một số địa phương khác do công tác quản lý khoáng sản của tỉnh chặt chẽ.
Ngày 14/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được nhiều câu hỏi liên quan đấu giá cát.
Ông Phan Tấn Linh (huyện Nghi Xuân) cho biết nguồn cát tại Hà Tĩnh mới đáp ứng được một phần rất ít so với nhu cầu thực tế, và giá cát đắt hơn một số tỉnh khác. “Có hay không tình trạng khai thác cát lậu? Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì khắc phục tình trạng giá mua cát của doanh nghiệp tại mỏ cao hơn giá UBND tỉnh quy định”, ông hỏi.
Ông Lê Ngọc Huấn thừa nhận giá cát tại Hà Tĩnh đắt hơn so với một số địa phương khác, nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý khoáng sản của tỉnh chặt chẽ. Nguồn cát của Hà Tĩnh không nhiều do đa phần các con sông chảy qua địa bàn nhỏ, hẹp, dốc, trong khi tỉnh đẩy mạnh quy hoạch.
Khi đấu giá mỏ cát tại Hà Tĩnh, giá khởi điểm là 50.000-70.000 đồng một m3, mỗi bước giá 5%, doanh nghiệp nào đấu số tiền cao thì thắng. Theo lãnh đạo một công ty khai thác khoáng sản, các địa phương khác ít đơn vị cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia đấu giá từ một đến hai bước giá là dành quyền sở hữu. Trong khi tại Hà Tĩnh, họ phải nâng bước giá lên 10-20 lần mới có cơ hội.
“Quy hoạch cát Hà Tĩnh trữ lượng khoảng 14 triệu m3 với 37 mỏ, trong khi Nghệ An là 50 triệu m3, Quảng bình 20 triệu m3. Do vậy khi đấu giá sẽ có cạnh tranh lớn, nhiều người tham gia, nên đẩy bước giá cao”, ông Huấn nói.
Hiện, cát san lấp ở Hà Tĩnh là 88.000-89.000 đồng một m3, Nghệ An 90.000-136.000 đồng, Quảng Bình 46.000 đồng. Cát xây dựng tại Hà Tĩnh khoảng 140.000-160.000 đồng một m3, Nghệ An 120.000-160.000 đồng, còn Quảng Bình 80.000-140.000 đồng.
Về khai thác cát lậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói “ở đâu đó là có xảy ra sự việc trên”. Ông thông tin, các địa phương xây dựng nông thôn mới, khai thác cát làm công trình, khi Sở phát hiện thì “huyện xin, xã xin, nên rất khó xử lý”. Ngoài ra, có trường hợp người dân ở gần sông, bãi bồi xúc một vài xe cải tiến về xây nhà.
“Vấn đề này Sở xin tiếp thu, đề nghị huyện, xã tiếp tục thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trên địa bàn để ngăn chặn thực trạng này”, ông Huấn nói.
Theo dự báo của Sở Xây dựng, đến 2030 Hà Tĩnh cần hơn 53 triệu m3 đá, đất san lấp hơn 46 triệu m3; cát hơn 26,4 triệu m3… cho nhu cầu phát triển xây dựng. Hiện, tổng trữ lượng khai thác đất san lấp còn lại hơn 29,2 triệu m3, tức thiếu gần 17 triệu m3 so với nhu cầu dự báo của Sở Xây dựng đến 2030.