Giá cao su thế giới đã vượt mức cao nhất 3 năm trở lại đây
Vào đầu tháng 6, giá cao su thế giới đã vượt mức cao nhất 3 năm trở lại đây, đạt 183 US cents/kg. Mặc dù thị trường đã điều chỉnh nhẹ, nhưng so với hồi đầu năm nay, giá cao su thế giới vẫn đã tăng 10,4%, đạt 172 US cents/kg.
Động lực tăng giá cao su chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia. Sản lượng mủ cao su của hai nước này, vốn chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu, đều thấp. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục mạnh trở lại khi nước này đẩy mạnh hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đồng thời, việc giá dầu thô neo cao cũng hỗ trợ giá cao su tự nhiên tăng lên.
Theo báo cáo của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), thị trường cao su tự nhiên toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn vào năm 2024, và tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt có thể khoảng 600.000 – 800.000 tấn/năm.
Điều này khiến giá cao su trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục neo ở mức cao, có thể cán mốc 190 US cents/kg (tương đương tăng thêm 10%) trong vòng 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, giá cao su xuất khẩu tính đến tháng 5/2024 đã xác lập mạch tăng giá kéo dài 8 tháng liên tiếp với mức tăng từ 2 – 4%/tháng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (mã cổ phiếu GVR – sàn HoSE) cho biết, giá cao su trung bình trong 5 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Với các diễn biến hiện tại, hãng Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định giá bán cao su của Cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng, neo cao trong nửa cuối năm nay. Do đặc tính cây trồng nên việc khai thác cao su diễn ra mạnh mẽ từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý II trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh.
Cao su Việt Nam hiện là doanh nghiệp cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Trong đó, mảng cao su đóng góp khoảng 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn này trong năm ngoái.
Theo kế hoạch của Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn này đã đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác năm 2024 đạt 24.999 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, đều tăng hơn 2% so với mức ước thực hiện của năm 2023. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 3.437 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2023.
Cụ thể, đối với mảng cao su, GVR đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 445.200 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn (đã bao gồm cả lượng thu mua từ bên ngoài); giá bán mủ bình quân dự kiến ở khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha.
Đối với mảng chế biến gỗ, sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF), GVR đặt mục tiêu sản lượng ở mức 1,2 triệu m3.
Đối với mảng kinh doanh khu công nghiệp, tập đoàn này đặt mục tiêu cho thuê mới 245ha trong năm 2024, tương đương 468% mức ước thực hiện trong năm 2023.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận của GVR vượt xa kế hoạch đề ra
Tính đến ngày 28/6, giá cao su thế giới trên các sàn giao dịch có biến động tăng giảm liên tục nhưng xu hướng chung là đều tăng giá so với cùng kỳ năm ngoài. Điều này khiến cho giá mủ chén và mủ nước cao su tại một số tỉnh, thành phố trong nước cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 370-415 đồng/TSC, tăng khoảng 100-150 đồng/TSC so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua ở mức 360-415 đồng/TSC; Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua ở mức 370-380 đồng/TSC, tăng 20 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2024; Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 382-386 đồng/TSC.
Nhiều vườn cao su hiện mới bắt đầu vào vụ nên sản lượng chưa nhiều. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài khiến sản lượng cũng thấp hơn so với năm ngoái.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cao su tiêu thụ toàn tập đoàn đạt 150.000 tấn, đạt 29% kế hoạch năm. GVR đã thu về khoảng 1.108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, và hoàn thành 32,2% kế hoạch cả năm nay.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh của GVR trong thời gian tới sẽ ở mức rất tích cực khi giá cao su trên thị trường quốc tế đang neo cao. Tác động của việc giá cao su tăng được kỳ vọng sẽ phản ánh rõ nét hơn vào kết quả kinh doanh của Cao su Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Dựa trên các yếu tố thị trường hiện nay, mới đây SSI Research ước tính giá cao su cứ tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của Cao su Việt Nam tăng thêm 0,5%. Cũng theo SSI Research, giá bán cao su trung bình cả năm nay của GVR dự kiến đạt 36,4 triệu đồng, tăng 16% so với năm 2023.
SSI Research cũng dự báo doanh thu năm nay của GVR sẽ đạt tới 24.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế có thể đạt 3.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,7% và 11,4% so với năm 2023, cũng như vượt xa kế hoạch mà tập đoàn này đang đề ra.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-cao-su-tang-cao-trien-vong-kinh-doanh-cuc-sang-cua-gvr-loi-nhuan-co-the-dat-gan-4000-ty-dong-20240628221723094.htm