Các nhà quan sát cho rằng, xu hướng giá trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới hiện vẫn dao động trong phạm vi trung tính, cho dù chỉ số USD mạnh trở lại đã hỗ trợ các sàn hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao. Giá vàng, giá dầu thô tăng liên tiếp nên mặt hàng cà phê đành phải hy sinh, bất chấp thị trường vẫn còn nguyên nỗi lo nguồn cung.
Giá cà phê thế giới tiếp tục hiệu chỉnh giảm trên cả hai sàn phái sinh sau sức ép của lãi suất được các NHTW lớn đồng loạt nâng thêm.
Trong khi, tại nguồn xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chính sách của Ủy ban Chính sách tiền tệ Brazil (Copom) đi ngược chiều với thế giới đã gây ra sự thanh lý các tài sản rủi ro và kích thích nông dân nước này đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu. Hơn nữa, Brazil hiện đang thu hoạch hơn một nửa sản lượng vụ mùa mới năm nay, trong bối cảnh thời tiết ở các vùng trồng cà phê chính được báo cáo rất thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thu hái. Tỷ giá đồng Real giảm nhẹ cũng góp phần hỗ trợ nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.
Dữ liệu cà phê tồn kho trên cả hai sàn kỳ hạn tiếp tục đứng ở mức thấp. Báo cáo tồn kho ICE – London ngày 3/8, tiếp tục giảm thêm 260 tấn, xuống ở mức 51.050 tấn vẫn không thể ngăn cản giá cà phê robusta giảm.
Giá cà phê trong nước hôm nay 5/8 tiếp tục giảm 500 – 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Freepik) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục giảm. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 9/2023 giảm 33 USD, giao dịch tại 2.612 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11 giảm 28 USD, giao dịch tại 2.488 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 3,4 Cent, giao dịch tại 161,35 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm 3,05 Cent, giao dịch tại 160,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước hôm nay 5/8 tiếp tục giảm 500 – 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo các nhà phân tích, hiện tượng giá cà phê robusta tăng mạnh những tháng gần đây, có lý do từ việc cà phê Indonesia mất mùa; Brazil xiết nguồn cung và suy thoái kinh tế trên toàn thế giới khiến người tiêu dùng tìm đến với cà phê robusta rẻ tiền hơn nên đẩy giá của loại cà phê này.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, những biến động nguồn cung cà phê từ Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cà phê toàn cầu. Điều này có thể lý giải một phần cho việc tăng giá cà phê thời gian qua.
Đối với những người trồng cà phê Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, dù trên 90% số hộ đã bán hết cà phê từ khi mặt hàng này còn ở mức giá dưới 50.000đ/1kg, nhưng việc thị trường cà phê cả trong nước và thế giới liên tục có đỉnh giá mới trong tháng 7 và hiện tại đang biến động quanh mức 66.000đ-68.000đ/1kg, vẫn khiến nhiều nông dân trồng cà phê như sống trong mơ.
Bà con nông dân hy vọng, cứ theo đà này, dù thị trường có biến động xuống, thì xác suất lớn là cà phê vẫn giữ được mức trên 50.000đ/1kg, là mức người trồng cà phê hầu như chưa bao giờ chạm đến.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 80.000 tấn cà phê, đạt 371 triệu USD, dù giảm 32,1% về lượng nhưng lại tăng tới 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,08 triệu tấn, giảm 6% và 2,76 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2023 cũng là mức kim ngạch cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.