Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê robusta. Nhu cầu về cà phê robusta những năm gần đây liên tục tăng, trong khi sản lượng từ Việt Nam đang giảm khoảng 10 – 15% khiến nguồn cung thiếu hụt.
Giá cà phê thế giới duy trì xu hướng trái chiều trong phiên chốt tuần. Thị trường lo ngại rủi ro tăng cao và nhà đầu tư Phố Wall suy đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay trở lại tại phiên họp điều hành chính sách tiền tệ sắp tới.
Về nguồn cung cà phê từ Brazil, Công ty Môi giới hàng hóa nông sản Pine Agronegocios ở Brazil vừa cập nhật dự báo về sản lượng niên vụ 2023/2024 sẽ tăng thêm 1,47% lên ở mức 55,16 triệu bao, bao gồm 34,87 triệu bao cà phê Arabica và 20,29 triệu bao cà phê Conilon robusta. Pine Agronegocios cũng dự đoán, Brazil xuất khẩu trong niên vụ 2023/2024 sẽ đạt 35,19 triệu bao và tiêu thụ nội địa vẫn ổn định ở mức 21 triệu bao.
Nhu cầu cà phê robusta vẫn giữ được mức cao cho ngành công nghiệp sản xuất cà phê hòa tan và áp lực vụ mùa arabica mới vừa bắt đầu thu hoạch ở Brazil tiếp tục đè nặng tâm lý thị trường kỳ hạn New York. Đồng Real duy trì đà tăng đã hỗ trợ người Brazil gia tăng bán cà phê xuất khẩu.
Giá cà phê trong nước tăng 300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên cuối tuần này (ngày 27/5). (Nguồn: Freepik) |
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/5) trên sàn quốc tế, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 7/2023 tăng 21 USD, giao dịch tại 2.574 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 tăng 20 USD, giao dịch tại 2.528 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 1,1 Cent, giao dịch tại 181,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 1,1 Cent, còn 179,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.
Giá cà phê trong nước tăng 300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên cuối tuần này (ngày 27/5).
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
5 tháng qua giá cà phê nội địa liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Thậm chí đà tăng này được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá là “điều không tưởng” bởi quá nhanh.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Cacao việt Nam (VICOFA) sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.
Đầu tháng 10 năm ngoái đã có hàng vụ mới nhưng việc thu hái, phơi sấy diễn ra chậm do thời tiết mưa nhiều, liên tục trong giai đoạn này. Chất lượng hạt cũng có thể bị ảnh hưởng.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023), Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn. Lượng tiêu thụ trong nước khoảng 250.000 tấn. Do đó, lượng tồn kho của người dân hiện còn khoảng 100.000 tấn. Cộng thêm 100.000 tấn tồn kho của niên vụ 2021 – 2022 gối sang thì lượng hàng còn lại chỉ còn khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê robusta Việt Nam trên thế giới trung bình mỗi tháng là 100.000 tấn mà Việt Nam còn tới 5 tháng nữa mới sang niên vụ mới. Do đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy lượng xuất khẩu cà phê tháng 4 giảm 22% so với tháng 3 xuống 163.000 tấn. Theo các chuyên gia phân tích, đây là dấu hiệu của cạn cung. Năm ngoái, phải đến tháng 8 tình trạng thiếu hàng mới xảy ra, nhưng năm nay, ngay từ tháng 3 đã hết hàng. Thời điểm giá về đỉnh cũ là 52.000 đồng/kg hồi đầu năm, người dân đã đồng loạt bán ra rất nhiều.