Theo ghi nhận, giá cà phê tươi (hái bán tại vườn) ở mức 21.000-23.000 đồng/kg và cà phê nhân ở mức 105.000-110.000 đồng/kg tùy nơi, tùy loại. Năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê bởi lần đầu tiên giá cà phê robusta Việt Nam xuất khẩu tăng cao kỷ lục, thậm chí cao nhất thế giới – hơn cả giá cà phê arabica, theo Vicofa.
Giá cà phê hôm nay 16/11/2024
Giá cà phê thế giới đã có một phiên điều chỉnh vào cuối tuần. Trước đó, cà phê tăng mạnh bất chấp đồng USD đang cao chót vót. Tuy nhiên, giá cà phê robusta đã bị ảnh hưởng sau khi EU đưa ra quyết định chính thức về thời điểm thực thi quy định EUDR, lùi lại 1 năm.
Giá cà phê trong nước liên tục ghi nhận mức giá mới hiện giao dịch trong khoảng 113.500 – 114.000 đồng/kg. Thời điểm này, nhiều nông dân Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… bước vào vụ thu hoạch cà phê với sản lượng chưa nhiều nhưng giá đang ổn định ở mức cao. Ghi nhận của báo chí, lo thiếu nhân công, sợ mất trộm, rớt giá nên nhiều nông dân ở Đắk Nông đã thu hái cà phê đồng loạt khi tỷ lệ quả chín chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng.
Để thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê đúng kỹ thuật, giảm thất thoát, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã hướng dẫn các địa phương và người dân chủ động về thời gian, nhân lực. Cụ thể, cà phê chỉ thu hoạch khi tỷ lệ quả chín đạt từ 80 – 90%. Đồng thời, nông dân không được hái cả chùm trái cà phê lẫn với lá, cành nhỏ. Mục đích là để đảm bảo chất lượng cành cà phê dự trữ cho niên vụ sau.
Hai sàn cà phê giao dịch phái sinh đã có ngày tăng thứ 4 liên tiếp, arabica đã đạt đỉnh 13 năm và robusta cao nhất trong 1 tháng. Đà tăng giá này được hỗ trợ bởi lo ngại thời tiết bất lợi ảnh hưởng nguồn cung tại Brazil và vụ thu hoạch đang diễn ra tại Việt Nam.
Tại Brazil, các nhà sản xuất đang giữ lại cà phê với hy vọng giá sẽ tăng cao hơn. Những kỳ vọng lạc quan này được thúc đẩy bởi triển vọng không chắc chắn về sự phát triển của vụ cà phê 2024-2025, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể do đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, dự báo thời tiết khô nóng tiếp tục diễn ra ở bang Minas Gerais, khu vực sản xuất cà phê arabica lớn nhất của Brazil, cũng đang giúp đẩy giá arabica lên cao.
Tại Việt Nam, thời tiết xấu gần đây đã làm chậm hoạt động thu hoạch, mặc dù đây đang là giai đoạn cao điểm của mùa vụ.
EU đã đưa ra quyết định chính thức về thời điểm thực thi quy định EUDR, lùi lại 1 năm. Dẫu vậy thị trường vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân do đầu cơ cấy giá vào cà phê và nông dân Brazil thắt chặt nguồn cung khi đồng nội tệ yếu so với USD.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 15/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London điều chỉnh nhẹ trái chiều, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 4 USD, giao dịch tại 4.773 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 4 USD giao dịch tại 4.669 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 2,85 Cent, giao dịch tại 281,80 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 3,9 Cent, giao dịch tại 283,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước ngày 15/11 tăng 2.700 – 2.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Cà phê Robusta Việt Nam được khách hàng rất ưa chuộng vì có vị ngon hơn hẳn các nước, chưa kể thời điểm này chúng ta gần như ‘một mình một chợ’ vì các nước chưa thu hoạch. Do đó có cơ sở để tin vào mức giá tốt.
Mức giá trên được nhiều doanh nghiệp cho biết tăng nhẹ so với vài ngày trước, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, và gần gấp ba so với mức thấp các năm trước (dao động trên dưới 35.000 đồng/kg cà phê nhân).
Giống robusta hiện chiếm khoảng 95% diện tích cà phê Việt Nam và được nhiều khách hàng thế giới rất ưa chuộng vì có vị ngon hơn hẳn sản phẩm cùng loại của các nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia…
Ngoài ra, theo nhận định của Hiệp hội Cà phê Ca cao, mùa thu hoạch cà phê Việt Nam chủ yếu rơi vào đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, đây là thời điểm mà hầu hết các nước không có vụ thu, hoặc thu rất ít. Nước ta vào vụ gần như “một mình một chợ” và luôn được khách hàng trên thế giới ưu tiên chọn mua nhờ hương vị ngon, hợp gu. Do đó, dù sản lượng vào chính vụ của Việt Nam sẽ tăng mạnh so với thời điểm này và giá có thể biến động, nhưng chúng ta cũng có những lợi thế nhất định để kỳ vọng mức giá tốt hơn hẳn mọi năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới – có mùa vụ từ tháng 5 đến tháng 9 nhưng lượng tồn kho đến thời điểm này không nhiều do sản lượng năm nay giảm. Do đó nếu nguồn hàng cà phê từ Việt Nam xuất ra vừa phải, mức giá tốt, khả năng sẽ được duy trì, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-16112024-gia-ca-phe-robusta-da-ngung-tang-manh-hang-viet-co-the-tu-tin-ve-gia-trong-ca-mua-293912.html