Việc không tuân thủ luật pháp của EU về các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, dự kiến sẽ có tác động rộng lớn đến thị trường hàng hóa toàn cầu mà luật này điều chỉnh, có thể dẫn đến mức phạt lên tới 4% doanh thu của một công ty tại một quốc gia thành viên EU.
Giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn giao dịch London và New York. Xuất hiện xu hướng tích cực do được hưởng lợi từ đồng USD suy yếu.
Giá cà phê trong nước tăng 1.800 đồng/kg, theo đó, mức giao dịch cao nhất trong các địa phương đạt 66.800 đồng/kg, tiếp tục được được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.
Trong thời gian này, ảnh hưởng từ thông tin nguồn cung và thông tin thời tiết tại các vùng trồng và thu hoạch cà phê lớn trên thế giới là yếu tố quan trọng định giá trên thị trường giao dịch quốc tế.
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 5 đã đạt 149.667 tấn (khoảng 2,49 triệu bao), giảm 8,52% so với tháng trước và giảm 5,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn gần 10% so với ước tính ban đầu của Tổng Cục Thống kê. Thông tin trên đã góp phần hỗ trợ giá cà phê robusta tăng.
Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE NewYork ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng rưỡi xuống 547,800 bao, tính đến ngày 14/6. Thông tin này góp phần hỗ trợ cà phê arabica tăng giá.
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/6 tăng 1.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng mạnh. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 7/2023 tăng 79 USD, giao dịch tại 2.804 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 tăng 63 USD, giao dịch tại 2.757 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York quay đầu tăng. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 2,6 Cent, giao dịch tại 187,00 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2023 tăng 2,8 Cent, còn 182,95 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/6 tăng 1.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Đồng USD giảm giá vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất theo đúng như dự kiến. Quyết định của Fed được hỗ trợ bởi một báo cáo ngày 14/6 cho thấy, giá sản xuất của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 5 với mức tăng lạm phát hàng năm của nhà sản xuất là nhỏ nhất trong gần 2,5 năm.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật trên sàn robusta đang cho tín hiệu động lượng tăng vẫn còn. Dự kiến trong ngắn hạn giá cà phê robusta giằng co tích lũy trong biên độ 2685 – 2750. Cà phê robusta nếu giữ và giao dịch trên mức 2730 thì vẫn có khả năng tăng giá. Tuy nhiên vùng giá hỗ trợ gần của giá là 2680 – 2685, nếu mất vùng giá này cà phê robusta có thể thiết lập xu hướng giảm trở lại.
Trên thị trường arabica, phiên tăng giá hôm qua đã tạm thời ngắt được nhịp giảm giá của cà phê Arabica. Đường MACD đã giao nhau nhưng xu hướng giá chưa rõ nét. Dự kiến trong ngắn hạn giá Arabica giằng co tích lũy trong biên độ 180 – 185. Giá cà phê arabica cần vượt qua mức 185 và đóng cửa ở mức giá này thì mới có cơ hội tăng phục hồi trở lại. Ngược lại, nếu để mất mức 180 thì xu hướng giảm có thể được thiết lập.
27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan nạn phá rừng. Luật này, dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm 2024, sẽ yêu cầu các công ty bán hàng hóa ở Liên minh châu Âu đưa ra tuyên bố thẩm định và dữ liệu có thể kiểm chứng chứng minh hàng hóa của họ không được trồng trên đất bị phá rừng sau năm 2020.
ICE cho biết dịch vụ Truy xuất nguồn gốc hàng hóa (ICoT) của ICE sẽ xác minh và kiểm tra độc lập dữ liệu của công ty, đảm bảo dữ liệu đó tuân thủ luật mới, bao gồm cacao, cà phê, thịt bò, đậu nành, cọ và các mặt hàng khác.
Việc thông qua luật mới này là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới xây dựng thương hiệu theo hướng trách nhiệm, minh bạch.
Ở chiều hướng tích cực, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định mới của EU cũng là cơ hội để gia tăng thị phần. Bởi quy định của EU là cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng, gây suy thoái rừng từ sau ngày 31/12/2020, mà theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam đã thực hiện chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2014. Tuy nhiên, việc hiểu đúng về quy định này sẽ là cần thiết để chúng ta đi đường dài.