Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 tăng 1,6 triệu bao (5%) lên 31,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi.
Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm mạnh phiên cuối tuần, đánh mất đà tăng của các phiên trước đó. Đã có một cuộc thoái vốn khỏi mặt hàng cà phê để chuyển sang các loại hàng hóa khác. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh trở lại mốc 101 đẩy giá cà phê trên sàn New York xuống sâu.
Về cung cầu, thị trường còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn và trung hạn, cùng với đó là áp lực bán hàng vụ mới từ Brazil. Đồng Real đang trên đà giảm đã gây nên tình trạng bán đuổi khá mạnh tại thị trường nội địa của quốc gia này.
Giá cà phê trong nước giảm mạnh 1.500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần này (29/7). (Nguồn: Kitco) |
Kết thúc phiên giao dịch chốt tuần này (ngày 28/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm mạnh. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 9/2023 giảm 85 USD, giao dịch tại 2.588 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11 giảm 62 USD, giao dịch tại 2.437 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm thêm 3,55 Cent, giao dịch tại 157,9 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2023 giảm 3,5 Cent, giao dịch tại 158,2 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê trong nước giảm mạnh 1.500 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần này (29/7).
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng xuất khẩu cà phê của nhà sản xuất Việt Nam trong quý III nhiều khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung đã cạn.
9 tháng đầu niên vụ hiện tại Việt Nam đã xuất khẩu 1,44 triệu tấn cà phê, trong khi sản lượng cà phê trong niên vụ 2022 – 2023 theo ước tính của Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) giảm 10 – 15% so với niên vụ trước xuống còn 1,5 – 1,6 triệu tấn.
Các chuyên gia dự báo, lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do lượng tồn kho dần cạn, chủ yếu nằm trong tay các nhà xuất khẩu FDI.
Về lâu dài để Việt Nam vẫn giữ vị thế là một cường quốc cà phê thì sản lượng cần duy trì ở mức 1,8 triệu tấn. Trong 3 năm qua, diện tích cà phê liên tục bị thu hẹp do bị thay thế bởi các loại cây ăn trái khác. Cộng thêm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khiến cây cà phê bị mất mùa, sản lượng càng giảm hơn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 tăng 1,6 triệu bao (5%) lên 31,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi. Diện tích sản xuất dự kiến không thay đổi với gần 95% tổng sản lượng vẫn là cà phê robusta.
Lượng mưa dự báo cao hơn 10-20% so với mức trung bình, hỗ trợ tưới tiêu cũng như sự phát triển của cây cà phê. Người dân cũng từng bước trồng lại cây cà phê để nâng cao sản lượng.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam dự kiến giảm 1,5 triệu bao xuống 24,5 triệu bao dựa trên lượng tồn kho đầu vụ ở mức thấp và các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn của Liên mINH châu Âu.
USDA dự báo tồn kho cuối vụ 2023-2024 của Việt Nam sẽ tăng 1 triệu bao so với vụ trước lên mức 2,7 triệu bao.