Nguồn cung giảm sâu, xuất khẩu cà phê tăng vọt 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê thu về 3,54 tỷ USD |
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 27/11 – 3/12, cà phê Arabica là điểm sáng của toàn thị trường khi tăng vọt gần 10%. MXV cho biết tồn kho đạt chuẩn bất ngờ sụt mạnh, kết hợp cùng kỳ vọng giá tăng của giới đầu cơ đã đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng.
Giá hai loại cà phê cùng tăng, trong đó Arabica tăng cực mạnh |
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở hàng hoá liên lục địa châu Âu (ICE-US) trong tuần qua giảm sâu gần 70.000 bao loại 60kg, đưa tổng lượng Arabica đã chứng nhận về còn 224.066 bao, mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Trước đó, Liên đoàn cà phê Châu Âu (ECF) cũng cho biết tồn kho cà phê tại khu vực này tính đến hết tháng 10 ở mức thấp nhất kể từ năm 2017, với 8,4 triệu bao. Điều này đã dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung tạm thời trên thị trường.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ vẫn tiếp tục tăng mua khi kỳ vọng giá sẽ tăng. Đồng USD đang suy yếu có thể hạn chế nhu cầu xuất khẩu của các quốc gia cung ứng như Brazil.
Giá Robusta trong tuần trước cũng tăng nhẹ 1,06%, chủ yếu nhờ lực kéo từ giá Arabica.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (3/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 58.900 – 59.900 đồng/kg, tăng 1.200 – 1.600 đồng/kg so với ngày đầu tuần.
Giá xuất khẩu cà phê Việt Nam liên tục tăng cao |
Theo Tổng cục Thống kê, sau 7 tháng giảm liên tiếp, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 ước tính tăng trở lại, đạt 80.000 tấn, tăng mạnh 83% so với tháng 10/2023, nhưng giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 251,85 triệu USD, tăng mạnh 59,9% so với tháng 10, nhưng giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,38 triệu tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,54 tỷ USD, giảm 2,5%.
Sau 8 tháng tăng liên tiếp, giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 11/2023 quay đầu giảm, đạt 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 10/2023, nhưng vẫn tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, đạt 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Các địa phương đang tiến hành thu hoạch cà phê niên vụ 2023/2024. Tuy nhiên, do mưa ở các khu vực trồng chính đã cản trở việc sấy khô hạt cà phê tươi. Với điều kiện thời tiết như thế này, nguồn cung sẽ chỉ được bổ sung tăng trong khoảng ba tuần tới.
Theo các chuyên gia, nguồn cung thiếu hụt tại Việt Nam cũng là nguyên nhân góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng trong thời gian tới vì mối lo thiếu hụt nguồn cung vẫn chiếm ưu thế. Nguyên nhân xuất khẩu giảm cũng được các chuyên gia đánh giá là do tồn kho của cà phê Việt Nam Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tính đến thời điểm này, sản lượng cà phê giảm nhưng giá lại tăng. Có thời điểm giá cà phê nội địa tăng lên 70.000 đồng/kg.
Diện tích cà phê cả nước ước đạt gần 720.000 ha, nhưng thực chất chỉ có 600.000 ha trồng thuần cà phê, diện tích còn lại do nông dân trồng xen với các loại cây khác. Trong tổng số gần 720.000 ha này, hiện chỉ có hơn 185.000 ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững.
Trên thế giới, niên vụ 2023/24 cũng được đánh giá tình hình nguồn cung cà phê toàn cầu đang đứng trước bức tranh kém khả quan. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ ước tính lượng Robusta của cả 3 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới gồm: Việt Nam, Brazil và Indonesia. Thậm chí, dự kiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 10% trong niên vụ này.
Giá cà phê neo ở mức cao nhìn chung là tin tốt đối với ngành cà phê Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về mất cân đối xuất khẩu cục bộ. Điều này gợi nhắc về tình cảnh lao đao nguồn cung những tháng cuối niên vụ 2022/23, khi giá cà phê nội địa liên tục neo cao ở mức 70.000 đồng/kg song không có đủ hàng để bán.