Trong báo cáo thị trường bất động sản tháng 8 do DKRA Group công bố mới đây, nhiều tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hồi phục của nền kinh tế – xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong thời gian tới. Bên cạnh những quyết sách nhằm thúc đẩy thị trường, việc triển khai nhiều dự án hạ tầng cũng khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, vốn FDI trên cả nước đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.924 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 8,87 tỷ USD, lần lượt tăng 69,5% và 39,7% so với năm 2022. Đáng nói, bất động sản tiếp quay trở lại vị trí Á quân với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD.
Những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường đang dần có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong trung hạn và dài hạn bởi theo dự đoán của nhiều chuyên gia, để thị trường phục hồi thực sự vẫn phải đợi đến giữa năm 2024. Còn trong giai đoạn hiện tại, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang để chờ đợi dòng tiền.
Theo số liệu báo cáo của DKRA Group về thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận của trong tháng 8/2023 cũng cho thấy, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện rõ rệt và giá sơ cấp cũng không có quá nhiều biến động ở hầu hết các loại hình.
Đơn cử với loại hình căn hộ chung cư, lượng tiêu thụ mới chỉ đạt 84 căn, giảm 87% so với cùng kỳ. Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Trong khi đó, nguồn cung mới ghi nhận sự sụt giảm còn 253 căn, chỉ bằng 19% so với cùng kỳ năm trước. TP.HCM và Đồng Nai là hai địa phương dẫn đầu, chiếm 55% tổng nguồn cung mới trong tháng. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A chiếm 25% tổng nguồn cung mới, tập trung tại khu phía Đông của TP. HCM. Phân khúc căn hộ hạng B và hạng C giữ vị trí chủ đạo tại các tỉnh giáp ranh.
Lực cầu thị trường thứ cấp quan sát được những tín hiệu khởi sắc so với tháng trước, động thái giảm lãi suất cho vay khiến người mua tự tin hơn trong quyết định mở khoản vay mua bất động sản. Mặt bằng giá bán trên thị trường sơ cấp không có nhiều biến động, trong khi đó trên thị trường thứ cấp, một số giao dịch vẫn ghi nhận mức giảm 50 – 150 triệu đồng/căn, tập trung ở những dự án chậm tiến độ bàn giao, hết thời gian ân hạn gốc và lãi vay.
Với loại hình nhà phố – biệt thự, nguồn cung mới khởi sắc so với tháng trước đạt 100 căn. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng Nai là địa phương dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường ở loại hình này, chiếm 68%.
Lượng tiêu thụ có nhiều cải thiện so với tháng trước đạt 34 căn, nhưng chỉ bằng 59% cùng kỳ năm trước. Phần lớn giao dịch tập trung tại dự án thuộc tỉnh Đồng Nai được mở bán trong tháng. Các chính sách chiết khấu, ưu đãi cho khách hàng tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp của loại hình này không có nhiều biến động so với tháng trước, thanh khoản thị trường ở mức trung bình và tập trung chủ yếu ở các sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý, đã đi vào hoạt động.
Còn với loại hình đất nền, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới của loại hình sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 với tỷ lệ giảm lần lượt là 58% và 94%. Cụ thể, trong tháng qua, nguồn cung mới của phân khúc đất nền chỉ có 95 sản phẩm, song tiêu thụ mới chỉ đạt 5 nền. Trong đó, Long An là khu vực chủ lực về nguồn cung mở bán mới trong tháng với tỷ lệ đạt 89% trên tổng cung mới toàn thị trường.
Về mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước, thanh khoản thị trường chưa có nhiều khởi sắc trong tháng qua. Hạn chế quỹ đất sạch, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn mới, các rủi ro về vấn đề pháp lý,… đã tác động rất lớn đến tình hình khan hiếm nguồn cung mới trong thời gian qua.
Theo DKRA Group, việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý dự án,… được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường trong thời gian tới.