Thị trường vàng thế giới và trong nước đang cùng trải qua những cơn sóng vô cùng lớn. Trong khi giá vàng thế giới vượt mốc 2.000 USD/ounce và được dự báo sẽ sớm tìm lại mốc cao nhất mọi thời đại trong vài ngày tới thì giá vàng SJC và vàng SJC thậm chí còn tăng nóng hơn. Tuy nhiên, không chỉ tăng nóng, vàng SJC còn “cắm đầu” giảm sâu do áp lực bán ra.
Thế nhưng, điểm nhấn của thị trường vàng trong nước không chỉ có thế mà còn nằm ở chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra vàng SJC quá cao, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới vượt xa ngưỡng an toàn.
Chúng tôi đã có trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về vấn đề này.
Nhà kinh doanh vàng đẩy rủi ro sang người mua
Thưa ông, tại sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cùng tăng rất mạnh trong tuần này?
– Đây là câu hỏi triệu đô. Có những yếu tố từ bên ngoài và yếu tố nội tại khiến giá vàng tăng mạnh.
Xét về yếu tố bên ngoài, suốt thời gian qua, giá trị đồng USD xuống thấp khi chỉ số Dollar Index vẫn còn là 107 hồi 1 tháng trước, còn hôm nay chỉ xấp xỉ 102. Đây là kết quả của việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau 2 đợt giữ nguyên. Thế nhưng, các số liệu hiện tại cho thấy Mỹ đang kiểm soát lạm phát tốt hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất có thể hạ nhiệt, từ đó hỗ trợ cho vàng.
Xét về yếu tố bên trong, nền kinh tế của ta đang trì trệ, các thị trường tài chính đều không khởi sắc. Thị trường chứng khoán liên tục biến động, theo chiều hướng tiêu cực. Trái phiếu đóng băng. Bất động sản trì trệ, trần lắng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm sâu. Tất cả các động lực này đẩy giá vàng tăng cao.
Giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới do chịu tác động từ thị trường thế giới và nội tại nền kinh tế đang yếu kém mang lại cảm giác vàng là nơi trú ẩn an toàn nhất.
Trên thị trường hiện nay tồn tại tình trạng chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra quá lớn, lên đến 1,4 triệu đồng/lượng. Con số này nói lên điều gì thưa ông?
-Gần đây, giá bán ra cao hơn giá mua vào khoảng 1 triệu đồng/lượng nhưng hiện tại, con số này đã lên đến 1,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách quá lớn này thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.
Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.
Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với gái cao, người mua vào chịu rủi ro chịu biến động. Chênh lệch càng lớn, các nhà kinh doanh cảm thấy rủi ro và đẩy rủi ro cho người tiêu dung.
Theo tôi, giá mua vào và bán ra chênh khoảng 500.000 đồng/lượng trở xuống là chấp nhận được. Chênh lệch từ trên 500.000 đồng là rất rủi ro.
Không chỉ chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra quá cao, chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thế giới cũng lên đến 14 triệu đồng/lượng. Đây có phải là rủi ro cho người mua không thưa ông?
– Mức chênh lệch 14 triệu đồng/lượng giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới là rất cao. Nó cho thấy giao dịch vàng trong nước đang có độ rủi ro cao hơn so với thị trường thế giới. Khoảng cách 5 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Không nên “bỏ trứng vào một giỏ”
Giá vàng đang chững lại sau khi tăng nóng, theo ông, xu hướng sắp tới của vàng là gì? Giá vàng có còn duy trì được đà tăng nữa hay không?
– Giá vàng đang chững lại nhưng vẫn trong xu hướng tăng vì vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều kênh khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường vàng luôn có nhiều biến động rất lớn và mang đến nhiều rủi ro, rủi ro ở thị trường trong nước thậm chí còn lớn hơn thị trường thế giới.
Thưa ông, nhà đầu tư có nên mua vào vàng ở thời điểm này không? Nếu có thì nên mua như nào?
– Như tôi đã nói ở trên, thị trường vàng có rất nhiều rủi ro nhưng lại đang là kênh hấp dẫn nhất. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, đây là thời điểm nhà đầu tư có thể mua vào vàng. Tuy nhiên, mua cũng cần tuân theo nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ”. Nhà đầu tư chỉ nên dành 1/3 tiền của mình để mua vàng.
Thứ hai, phải luôn theo dõi sát sao thị trường vàng trong nước cũng như thế giới, theo dõi hàng giờ, hàng ngày.
Thứ ba, là không lướt sóng với mong muốn lãi ngắn hạn. Lướt sóng là rất rủi ro. Nhà đầu tư nên giữ vàng trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.
Thứ tư, tuyệt đối không được vay tiền mua vàng.