CẦU THỦ DỰ BỊ TỎA SÁNG
Đức và Tây Ban Nha hứa hẹn một trận tứ kết đầy tính cống hiến. Nhưng hóa ra, đấy lại là trận đấu có nhiều pha phạm lỗi nhất (39) kể từ EURO 2016. Có đến 15 thẻ vàng, trong đó có 2 chiếc được quy thành thẻ đỏ. Bấy nhiêu xem ra vẫn là chưa đủ. Pedri (Tây Ban Nha) bị Toni Kroos (Đức) “hạ đo ván”, phải rời sân ngay phút thứ 8, có khả năng phải nghỉ đến hết giải. Kroos thoát thẻ trong pha phạm lỗi thô bạo ấy.
Vào thay Pedri, Dani Olmo mở tỷ số cho Tây Ban Nha vào đầu hiệp 2, rồi lại kiến tạo cho một cầu thủ dự bị khác là Mikel Merino ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 ở phút 118. Đấy chính là một trong những hiện tượng nổi bật của EURO này: cầu thủ dự bị vào sân và ghi bàn thắng muộn. Bàn gỡ 1-1 ở phút 89 của Đức cũng được ghi bởi cầu thủ dự bị Florian Wirtz. Chiều sâu của lực lượng quan trọng đến dường nào ở một giải đấu lớn như EURO!
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội Đức (3 lần vô địch, 3 lần về nhì) dừng chân ở vòng tứ kết EURO. Mannschaft xưa nay nổi tiếng về truyền thống luôn tiến xa ở các giải đấu lớn vì đấy luôn là đội có hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, hễ phải phân cao thấp bằng loạt sút luân lưu 11 m thì người Đức là số 1. Hoàn cảnh ấy suýt được tái hiện khi Niclas Fullkrug đội đầu chệch cột trong gang tấc ngay phút cuối cùng của hiệp phụ. Đức mà gỡ được 2-2 thì miễn bàn: ít ai nghĩ họ sẽ thua khi đá luân lưu.
Vấn đề ở đây là cái truyền thống “hiệu quả” kia giờ đã tan biến, mà bản thân Fullkrug trong tình huống hỏng ăn vào giờ chót chỉ là một trong rất nhiều ví dụ. Cơ hội bắn phá cầu môn của Đức nhiều hơn Tây Ban Nha. Riêng Fullkrug dứt điểm 6 quả, với chỉ số “bàn thắng được chờ đợi” lên đến 0,99, nhưng vẫn không có bàn thắng (trong bóng đá, chỉ số “bàn thắng được chờ đợi” thường thấp hơn số bàn thắng thật rất nhiều). Kai Havertz bỏ lỡ 2 cơ hội tốt, khi tỷ số đang là 0-0. Ở những trận trước, Đức ghi bàn khá ổn, với “hỏa lực” đa dạng. Nhưng đúng lúc quyết định thì nhược điểm “thiếu tiền đạo giỏi” đã làm hại Mannschaft.
PHÁP VẪN CHƯA BIẾT GHI BÀN!
Người ta sẽ phải bàn thêm về tầm quan trọng của ghế dự bị khi Tây Ban Nha gặp Pháp ở vòng bán kết. Trái ngược hoàn toàn với Tây Ban Nha và Đức, trận Bồ Đào Nha – Pháp tẻ nhạt, không có bàn thắng suốt 120 phút, vì đôi bên đều quá phụ thuộc vào ngôi sao đang rớt phong độ của họ, gần như không có “kế hoạch B”.
Cristiano Ronaldo lần đầu tiên kết thúc một giải đấu lớn mà không ghi được bàn nào cho Bồ Đào Nha. Vâng, Bồ Đào Nha bị loại vì Joao Felix sút hỏng luân lưu trong khi mọi cầu thủ khác đều sút thành công. Họ bị loại vì Leao, Fernandes, Vitinha đều bỏ lỡ cơ hội. Nhưng tình trạng Ronaldo luôn có mặt trên sân, sút bóng rất nhiều nhưng không ghi bàn, là thực tế rõ ràng từ nhiều trận trước. Goncalos Ramos hoặc Diogo Jota chờ mãi trên ghế dự bị, nhưng không được trao cơ hội.
Không như Ronaldo, Kylian Mbappe bên đội hình Pháp đã chủ động xin rời sân “vì quá mệt mỏi”. Thực chất của vấn đề thì vẫn như nhau: Mbappe mà không tỏa sáng thì Pháp coi như không có khả năng ghi bàn. Pháp giờ đã tiến vào bán kết mà vẫn chưa hề ghi bàn từ tình huống mở. Một quả phạt đền (của Mbappe) và 2 pha đối phương tự đốt lưới nhà là toàn bộ những gì thầy trò Didier Deschamps có được từ đầu giải đến nay.
Ráng thắng thêm 2 trận như thế, Pháp sẽ trở thành trường hợp không thể tưởng tượng trong bóng đá đỉnh cao: vô địch một giải đấu lớn dù không ghi bàn từ tình huống mở? Xin được nhấn mạnh: những gì thể hiện ở trận gặp Bồ Đào Nha cho thấy Pháp chủ động chơi như thế!
Nguồn: https://thanhnien.vn/euro-2024-hai-suat-ban-ket-that-trai-nguoc-185240706202712323.htm