Cuối tuần, có việc đi qua xã Duy Thu (Duy Xuyên), ập vào mắt tên chợ Phú Đa, tôi bỗng sựng người lại. Tấp xe lên lề đường, tôi đi chợ cùng niềm nhớ.
Chợ Phú Đa nằm bên sông Thu Bồn, là ngôi chợ nhỏ với chiếc cổng sơn màu vàng nhạt – cái màu phổ biến như bao ngôi chợ khác ở vùng thượng nguồn quê tôi. Chợ với những rổ tre để vài bó rau lang, ngọn bí, mấy miếng mít luộc, bắp chuối… của các bà, các mẹ.
Chợ in đậm chỉ dấu của mùa qua những nông sản đặc trưng vùng bãi bồi ven sông như bắp nếp, dưa hấu, dưa gang, dưa leo đang vào vụ. Trong chợ hơi vắng, chỉ có mấy sạp trước cổng xôn xao người trả giá bán mua với chất giọng đặc sệt, y sì trên quê tôi.
Có lẽ vì uống chung dòng nước Thu Bồn nên người sống ven sông ở Nông Sơn và Duy Xuyên có ngữ điệu, phát âm giống nhau – ông bà tôi hay nói vậy. Qua khỏi khuôn viên chợ đã thấy lũy tre xanh và hàng cau in bóng mát, nét đặc trưng mang lại cảm giác bình yên, nguyên sơ của phần nhiều ngôi chợ dọc dài ven sông này.
Những bến đò cũng là tên chợ, tên làng Phú Thuận, Phú Đa, Bến Dầu, Khe Cát… ăn sâu trong tâm trí, quen thuộc đến thân thương đối với cư dân Nông Sơn sống ven sông Thu Bồn những ngày đường sá còn cách trở.
Những chợ này kết nối với bao chợ ven sông khác ở thượng nguồn như Trung Phước, Khánh Bình, Tý, Sé… tạo thành tuyến giao thương nhộn nhịp, đông vui. Những chuyến đò dọc mang thực phẩm dưới các chợ, các bến này lên, đưa hàng nông sản xuống.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đợi chờ những chuyến ghe Phú Thuận – Phú Đa để mua mắm muối, thực phẩm. Ngày ấy, mỗi khi nghe ghe bà Thu, bà Một lên là cả làng đem hũ sành, chai 75 (chai thủy tinh dung tích 75ml) đi mua mắm, cá khô. Nhất là mắm cái, nhà nào cũng mua cả ô (tương đương ba lon sữa bò) để dành ăn dần vì lần mua lần khó.
Mỗi chiếc ghe như một cái chợ mini di động trên sông ghé bỏ sỉ các chợ và bán lẻ ở từng bến sông dọc từ hạ nguồn lên thượng nguồn. Còn má tôi thì trông ngóng thêm chuyến đò xuôi để bán kén tằm sau mỗi mí.
Nhiều bận bắt kén xong, đợi mãi chưa thấy ghe ghé mua, má nóng hơ trong ruột. Giờ thì bến sông, những chuyến đò xuôi ngược bán buôn chỉ còn trong ký ức. Làng Trung Phước quê tôi và chợ Phú Đa cả đường sông và đường bộ đều giáp giới với nhau, vừa đi xe máy vừa ngắm cảnh đâu hết khoảng 20 phút. Vậy mà đến mấy chục tuổi đầu tôi mới có dịp đi chợ Phú Đa để biết, để thỏa những thắc mắc của đứa trẻ sinh ra từ làng ngày ấy.
Ở Phú Đa sáng nọ, tôi dự vào cuộc bán buôn của chợ bằng vài món quê và chai mắm cái, bỗng nghe mùi ký ức phảng phất cay xè sống mũi. Tên ngôi chợ này gắn với một trời hoài niệm, nhớ thương của bao người sống ven sông bên kia đèo Phường Rạnh. Để rồi, ghé chợ Phú Đa, tôi vui sướng tìm được một tấm vé về tuổi thơ, nếm trải ký ức của một thời gian nan, xa ngái…