Tại Mỹ, có thể nói sinh viên gen Z vừa tốt nghiệp đã tràn ngập thị trường lao động. Những bạn trẻ này đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh cam go, đồng thời còn bị các nhà tuyển dụng hoài nghi.
Dù lao động gen Z sẽ trở thành lực lượng chủ lực không lâu nữa, tuy nhiên dữ liệu mới cho thấy cứ sáu công ty lại có một đơn vị ở Mỹ do dự khi tuyển dụng lao động ở độ tuổi 20 với lý do lo ngại về sự lười biếng, thiếu chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp kém của nhóm nhân sự này.
Thiếu chuyên nghiệp và tuân thủ kém
Theo khảo sát của Intelligent – một trang web hướng nghiệp cho giới trẻ, có 17% công ty không muốn tuyển dụng những lao động ở độ tuổi 20, và 3/4 không hài lòng với sinh viên tốt nghiệp gần đây. Năm 2024, thậm chí tới 60% công ty đã sa thải nhân viên trẻ do không chuẩn bị tốt hoặc thiếu chuyên nghiệp. Một trong bảy công ty cho biết có thể ngừng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp mới vào năm 2025.
Nhiều nhà tuyển dụng nhanh chóng sa thải nhân viên trẻ sau khi nhận việc. Lý do vì sự thiếu chuyên nghiệp và tuân thủ kém các tiêu chuẩn tại nơi làm việc của những nhân viên này. “Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học thường không chuẩn bị sẵn sàng để bước vào môi trường làm việc”, Huy Nguyen – giám đốc tư vấn phát triển giáo dục và nghề nghiệp tại Intelligent – cho biết.
Anh bổ sung rằng mặc dù các sinh viên mới ra trường có thể có kiến thức lý thuyết từ trường đại học nhưng họ lại thường thiếu kinh nghiệm thực tế và kỹ năng mềm. Sự không tương thích này có thể tạo ra xung đột giữa các nhân viên trẻ và những người có kinh nghiệm lâu năm.
Cuộc khảo sát này nêu bật những câu hỏi gây tranh cãi về động lực thế hệ, kỳ vọng tại nơi làm việc và sự linh hoạt của các nhà tuyển dụng trong việc giao thoa với gen Z ở một điểm chung nào đó. Tức là cần thừa nhận rằng đã có khoảng cách nhất định giữa lao động ở các nhóm tuổi khác nhau.
Một lý do nữa là lao động gen Z thường từ chối cuộc sống ở công sở, đặc biệt với những công việc mà họ cho là không quan trọng. Ngoài ra, lao động trẻ có thể thiếu sự hiểu biết về các chuẩn mực chuyên nghiệp như giao tiếp, trang phục, đúng giờ và làm việc nhóm.
Khi công việc không phải là trung tâm
Được nuôi dưỡng với trọng tâm là cân bằng cuộc sống và công việc, nhiều lao động gen Z chỉ xem công việc như một phần của cuộc sống chứ không phải là trung tâm. Điều này thách thức các kỳ vọng truyền thống về giờ làm việc dài và việc sẵn sàng đóng góp liên tục cho công việc.
Đại dịch vừa qua càng làm trầm trọng thêm những thách thức này khi nhiều sinh viên tốt nghiệp buộc phải bỏ lỡ các trải nghiệm công việc quan trọng ban đầu như thực tập. Điều đó phần nào đã hạn chế sự tiếp xúc của họ với các động lực tại nơi làm việc và quy tắc ứng xử chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát không miễn trừ trách nhiệm cho các nhà quản lý lớn tuổi. Thay vì e dè hay bác bỏ lao động gen Z, báo cáo cho biết các công ty cần có trách nhiệm giúp lao động trẻ thành công bằng cách hỗ trợ họ.
Ngược lại, để khắc phục những điểm yếu hiện tại, người tìm việc gen Z nên tập trung vào xây dựng các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian.
Thực tập và các công việc bán thời gian rất quý giá để có được kinh nghiệm thực tế và hiểu được kỳ vọng tại nơi làm việc. Thậm chí những vai trò nhỏ cũng có thể cung cấp những cái nhìn quan trọng về môi trường chuyên nghiệp. Đây là những khuyến cáo từ cuộc khảo sát này.
Cuộc khảo sát của Intelligent còn nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp. 54% nhà tuyển dụng cho biết họ có nhiều khả năng tuyển dụng các ứng viên thể hiện đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ, với khả năng thích ứng và đúng giờ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gen-z-thieu-chuyen-nghiep-chua-san-sang-cho-cong-viec-nha-tuyen-dung-ngai-20241113222012315.htm