Thế hệ Gen Z thường tính từ cuối năm 1990 – 2012, phổ biến từ 1996 – 2010. Dự báo đến năm 2025, tại Việt Nam, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có 1 đại diện Gen Z. So với các thế hệ trước, đây là thế hệ được đánh giá tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm. Bên cạnh những điểm sáng của Gen Z như cập nhật xu hướng tốt, giỏi công nghệ, biết nhiều kỹ năng, dám bứt phá… thì nhiều nhà quản lý nhân sự cũng đau đầu trước khả năng giao tiếp, ứng xử, nhảy việc theo trào lưu của một bộ phận Gen Z.
Ảnh minh họa: Internet
Mới đây, trong một cuộc trò chuyện, trả lời những vấn đề xoay quanh về nhân sự thuộc thế hệ Gen Z, một nhà quản lý nhận xét, một số ít bạn trẻ năng động, nắm bắt công việc nhanh và hiệu quả, thì phần đông các bạn làm việc chưa nghiêm túc, không chịu khó. Nhà quản lý này đùa rằng: “Ngày xưa mình đi làm thì nịnh sếp, còn ngày nay là sếp rồi mình nịnh lại lính. Ngoài công việc yêu thích, có thu nhập cao, thế hệ Gen Z còn đòi hỏi một môi trường làm việc phải vui, không gò bó”.
Một vấn đề khác mà các nhà tuyển dụng hiện nay ngao ngán và đau đầu với nhân sự Gen Z là hay chán việc và có xu hướng nhảy việc theo trào lưu. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần cảm thấy hơi khó chịu với một trong rất nhiều yếu tố của công việc, Gen Z sẵn sàng mặc kệ toàn bộ và rũ áo ra đi.
Ở một góc nhìn khác, nhà tuyển dụng cho rằng, thế hệ Gen Z đề cao “cái tôi” và ảo tưởng bản thân. Nhận xét về “cái tôi” của Gen Z, anh V. – một người làm tuyển dụng nhân sự nói: “Tôi không đánh đồng ai cả, nhưng tôi thật sự khó tuyển được bạn Gen Z nào làm việc cho công ty. Các bạn hay tự ái, làm sai bị nhắc nhở nhẹ nhưng mặt nặng mày nhẹ, tỏ thái độ”.
Trước xu hướng nhảy việc của Gen Z, nhiều nhà quản lý nhân sự trẻ với nhiều năm kinh ngiệm gợi ý, các công ty, doanh nghiệp… cần linh động hơn trong công việc về thời gian và cách thức làm việc, có thể giúp Gen Z thấy sự cân bằng được đáp ứng. Gen Z cũng cần phải thay đổi nhận thức về việc làm và nghiêm túc hơn trong công việc.
HOÀNG NHẪN