Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp đã nhận ra vấn đề lớn nhất của xu hướng này. Đó là những hồ sơ xin việc giống nhau như đúc vì được tạo ra hoàn toàn bằng AI.
Sai lầm trong ứng dụng AI khi xin việc
Shoshana Davis, chuyên gia nghề nghiệp và người sáng lập công ty tư vấn nghề nghiệp Fairy Job Mother, nói với chương trình CNBC Make It trong một cuộc phỏng vấn rằng thế hệ Z đã trở nên quá phụ thuộc vào các công cụ AI như ChatGPT để xin việc.
“Tôi trò chuyện với các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng – những người tuyển từ 10 đến 1.000 người thuộc thế hệ Z mỗi năm. Một trong những thách thức chính mà tôi thấy hiện tại là việc sử dụng AI, cụ thể là ChatGPT, không đúng cách và hiệu quả”, cô nói.
Davis giải thích, “các nhà tuyển dụng đang nhận được hàng trăm bức thư xin việc giống hệt nhau từng chữ”, hoặc câu trả lời giống nhau. Họ nghi ngờ các ứng viên đang sử dụng ChatGPT để soạn thảo hồ sơ.
Trên thực tế, 45% người tìm việc đã sử dụng AI để xây dựng, cập nhật hoặc cải thiện sơ yếu lý lịch. Kết quả này được Canva khảo sát và công bố vào tháng 1-2024, với 5.000 nhà quản lý tuyển dụng và 5.000 người xin việc từ Anh, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Mexico và Brazil tham gia.
Có vẻ như, gen Z là thế hệ dựa vào AI nhiều nhất, theo một cuộc khảo sát của Grammarly hồi tháng 2 với 1.002 nhân viên và 253 lãnh đạo doanh nghiệp. Theo đó, 61% gen Z không thể tưởng tượng được việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công việc mà không sử dụng AI sẽ ra sao. Tỉ lệ này cao nhất so với bất kỳ thế hệ nào khác.
Davis nói, dù chắc chắn cần phải “nắm bắt công nghệ và AI”, nhưng việc sao chép câu trả lời từ ChatGPT có thể ảnh hưởng đến cơ hội kiếm được việc làm của người trẻ.
Một cuộc khảo sát của Resume Genius với 625 nhà quản lý tuyển dụng cho thấy, hơn một nửa người tham gia không thích các sơ yếu lý lịch do AI tạo ra. Họ xem đó là dấu hiệu cảnh báo và ít có khả năng lựa chọn các hồ sơ này.
100 câu trả lời giống hệt nhau
Một trong những lý do khiến việc sao chép từ ChatGPT được xem là cách sử dụng AI không hiệu quả, vì chatbot không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin đáng tin cậy.
Một vấn đề ban đầu của ChatGPT là cơ sở kiến thức của nền tảng này chỉ giới hạn ở dữ liệu phát hành trước tháng 9-2021. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết vào tháng 9-2023, chủ sở hữu OpenAI từng thông báo trên X.
ChatGPT không được kết nối với Internet và đôi khi có thể tạo ra các câu trả lời không chính xác. “Nền tảng này có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021, và đôi khi cũng có thể đưa ra những hướng dẫn có hại hoặc nội dung thiên vị”, cô giải thích.
Davis chia sẻ câu chuyện gần đây từ một nhà tuyển dụng mà cô làm việc cùng. Người này đang tuyển dụng cho vị trí tiếp thị thương hiệu và đặt một câu hỏi trong hồ sơ xin việc, liên quan đến việc ra mắt sản phẩm về thể dục mà ứng viên yêu thích trong năm qua.
“Họ nói rằng đã nhận được khoảng 100 câu trả lời giống hệt nhau về việc ‘buổi ra mắt chiến dịch yêu thích của tôi là Peloton’. Nhà tuyển dụng nhận định đây là ‘tác phẩm’ của ChatGPT”, Davis kể lại.
Cô cho rằng những người trẻ cần phải tự học về cách sử dụng ChatGPT đúng cách, thay vì chỉ sao chép câu trả lời. “Nền tảng này nên được sử dụng như một công cụ, chứ không phải là một sự thay thế”, Davis nhấn mạnh.
Michelle Reisdorf, giám đốc khu vực của công ty tuyển dụng Robert Half, đã chia sẻ quan điểm tương tự. Cô nói rằng AI rất phù hợp “kiểm tra và cải thiện những gì bạn đã viết, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất để tạo ra một hồ sơ xin việc hoàn hảo”.
“Các nhà tuyển dụng sẽ biết nếu bạn không đưa ra các chi tiết cụ thể về công việc trước đây của mình, hoặc có đang viết hồ sơ bằng giọng văn cá nhân, của con người hay không”, Reisdorf nói thêm.
Davis cho biết, cô sử dụng ChatGPT để sắp xếp tài liệu, lên ý tưởng và tạo bản nháp, “không bao giờ chỉ nhập câu hỏi, rồi sao chép câu trả lời”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gen-z-lam-dung-ai-thu-xin-viec-giong-nhau-nhu-duc-20240509143936826.htm