Các nhà quản lý cấp cao của Gazprom đánh giá, hệ thống năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) không ổn định và có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.
Gazprom đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang EU. (Nguồn: Gazprom). |
Các nhà quản lý cấp cao của Gazprom dự báo: “Việc thiếu hụt khí đốt có hệ thống vẫn chưa biến mất. Điều đó không chỉ được thể hiện ở mức giá cao hơn vào năm 2023 so với những năm trước Covid-19, mà còn bởi sự tồn tại dai dẳng của tình trạng bù hoãn mua trên thị trường khí đốt tự nhiên. Bù hoãn mua là tình huống trong đó giá tương lai của một hàng hóa cao hơn giá giao ngay.
Hành vi giá này có nghĩa là hệ thống an ninh năng lượng ở châu Âu, được xây dựng cho các trường hợp khẩn cấp, không ổn định và phải đối mặt với những thách thức mới”.
Năm ngoái, EU giảm phụ thuộc vào năng lượng của Moscow bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước khác trong đó có Mỹ, quốc gia trở thành nguồn khí đốt chính của khối, chiếm tới 35% tổng lượng nhập khẩu.
“Gã khổng lồ” năng lượng Nga – Gazprom đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối 27 thành viên vào năm ngoái, sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream)
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, chạy dưới biển Baltic và vận chuyển khí đốt từ Nga đến EU, cùng với Dòng chảy phương Bắc 2 mới xây dựng, đã bị vỡ do vụ nổ dưới nước vào tháng 9 năm ngoái.
* Trong một thông báo ngày 5/10 (giờ địa phương), Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cho biết, chính phủ nước này cho phép nhà sản xuất điện lớn nhất đất nước – RWE – khởi động lại hai lô than tại nhà máy Niederaussem và một lô khác tại nhà máy Neurath để bổ sung thêm điện vào lưới điện.
Một lệnh tương tự cho phép nhà máy điện than lớn thứ hai nước này – LEAG – khởi động lại 2 khối nhà máy than Jaenschwalde của mình.
Lệnh này có hiệu lực từ ngày 5/10, các nhà máy than dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn cho đến tháng 3/2024. Ngoài ra, Berlin cũng đang xem xét kéo dài hoạt động của hai tổ máy than tại nhà máy Neurath của RWE cho đến mùa Xuân năm 2025.
Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức nói rằng, động thái trên là một “biện pháp phòng ngừa rủi ro cho mùa Đông sắp tới”.
Thông báo của Bộ trên nêu rõ: “Dự trữ nguồn cung sẽ được kích hoạt lại để tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện và từ đó ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt sưởi ấm trong mùa Đông 2023-2024. Biện pháp này sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của Berlin là hoàn thành việc loại bỏ than vào năm 2030 cũng như các mục tiêu khí hậu khác”.
Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cũng cam kết sẽ đánh giá lượng khí thải carbon bổ sung do việc kích hoạt lại các nhà máy than và có kế hoạch đưa ra các biện pháp khắc phục vào mùa Hè tới.