“Đây là một năm kinh hoàng và bạo lực liên tục ảnh hưởng đến dân thường, không có hồi kết”, Avril Benoît, giám đốc điều hành của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Mỹ cho biết.
“Khi cuộc xung đột này lan rộng khắp khu vực, chúng tôi lặp lại lời kêu gọi khẩn cấp về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng và cứu sống những người đang phải vật lộn để sinh tồn”, bà nói.
Nhu cầu y tế của người Palestine ở Gaza
Người dân Palestine ở Gaza đang phải chịu đựng những vết thương chiến tranh, các bệnh truyền nhiễm, tình trạng suy dinh dưỡng và chấn thương tinh thần trong điều kiện sống quá tải và vô nhân đạo.
Đội ngũ y tế của MSF đã điều trị cho những bệnh nhân bị thương do bom đạn gây ra hàng ngày. Tuy nhiên, điều kiện hiện tại ở Gaza không cho phép chăm sóc chuyên sâu những bệnh nhân bỏng nặng, dập xương và chân tay bị cắt cụt… Kể từ khi xung đột leo thang vào tháng 10 năm ngoái, các nhóm của MSF đã điều trị cho hơn 27.500 bệnh nhân bị thương do bạo lực, trong đó hơn 80% vết thương liên quan đến pháo kích.
“Các cuộc ném bom của Israel vào các khu vực đông dân cư đã liên tục gây ra thương tích trên diện rộng”, tiến sĩ Amber Alayyan, giám đốc chương trình y tế của MSF cho biết. “Các nhóm của chúng tôi đã buộc phải thực hiện các ca phẫu thuật mà không gây mê, chứng kiến trẻ em tử vong trên sàn bệnh viện do thiếu nguồn lực, và thậm chí phải điều trị cho chính đồng nghiệp và người thân của họ. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza đã bị lực lượng Israel phá hủy một cách có hệ thống”.
Ngay trước ngày 7/10 năm ngoái, MSF đã điều trị cho những người dân ở Gaza đang phải chịu đựng hậu quả của sự chiếm đóng của Israel, lệnh phong tỏa kéo dài 17 năm và các cuộc tấn công liên tiếp. Các nhóm đã chăm sóc những bệnh nhân bị thương tích nghiêm trọng về thể chất, bỏng nặng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Khi nhu cầu y tế tăng theo cấp số nhân, các lựa chọn chăm sóc sức khỏe của người dân đang thu hẹp lại. Israel đã thực hiện các cuộc tấn công có hệ thống rộng khắp vào cơ sở chăm sóc sức khỏe của Gaza và các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng khác.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đang bên bờ vực sụp đổ. Ngày nay, chỉ có 17 trong số 36 bệnh viện hoạt động một phần. Các bên tham chiến đã tiến hành các cuộc giao tranh gần các cơ sở y tế, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên y tế.
Sáu đồng nghiệp của MSF đã thiệt mạng. Từ tháng 10/2023, nhân viên và bệnh nhân của MSF đã phải rời khỏi 14 cơ sở y tế khác nhau do các sự cố nghiêm trọng và giao tranh đang diễn ra. Mỗi khi một cơ sở y tế được sơ tán, hàng nghìn người sẽ mất quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Điều này sẽ gây ra hậu quả cho sức khỏe của mọi người, không chỉ trong thời gian trước mắt mà còn trong nhiều tuần và nhiều tháng tới.
Việc thiếu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn trầm trọng hơn do thiếu nguồn cung cấp nhân đạo và y tế ở Gaza. Thậm chí, nếu hàng tiếp tế đi vào Dải Gaza, chúng cũng không chắc đến được đích do đường sá nguy hiểm và giao tranh vẫn tiếp diễn, chưa kể tình trạng cướp bóc thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.
Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là Israel phải mở các biên giới đất liền quan trọng để đảm bảo viện trợ nhân đạo và y tế lớn có thể đến được với những người cần. Cuộc phong tỏa Gaza phải chấm dứt.
Mỹ cần đảm bảo không viện trợ cho Israel vũ khí gây hại dân thường
“Trong một năm, các đồng minh của Israel vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel, ngay cả khi trẻ em bị giết hàng loạt, xe tăng bắn vào các nơi trú ẩn và máy bay chiến đấu ném bom vào các khu vực được gọi là nhân đạo”, Chris Lockyear, tổng thư ký của MSF cho biết, nhấn mạnh rằng điều này hạ thấp sinh mạng của người dân Gaza và không phân biệt được các mục tiêu quân sự với mạng sống dân thường.
“Cách duy nhất để ngăn chặn việc giết chóc là ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài”, ông nói.
Israel và Hamas, được các đồng minh của riêng mình hỗ trợ, đã nhiều lần thất bại trong việc thống nhất lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza. Trong khi Mỹ dẫn đầu các nỗ lực thông qua nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 6, thì trước đó Mỹ đã phủ quyết các nghị quyết do các thành viên khác của Hội đồng đưa ra, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel.
Israel phải ngay lập tức chấm dứt việc giết hại bừa bãi dân thường ở Gaza và khẩn trương tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ để giảm bớt đau khổ bên trong Dải Gaza. Theo các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, dân thường phải được bảo vệ khỏi bạo lực và có quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo, đặc biệt là chăm sóc y tế.
“Mỹ vẫn là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính hàng đầu cho Israel, thúc đẩy sự tàn phá Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nó gây ra”, Benoît cho biết. “Là một đồng minh hàng đầu của Israel, Mỹ có trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo rằng sự hỗ trợ của mình không được sử dụng để giết và làm bị thương thường dân, tấn công bệnh viện và nhân viên y tế, ngăn chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở Gaza”.
Ngọc Ánh (theo DWB)
Nguồn: https://www.congluan.vn/gaza-tan-hoang-sau-mot-nam-chien-tranh-khong-co-luat-le-post315623.html