Bệnh nhân cho biết đau lưng từ giữa năm 2021, sau đó thấy nhức mỏi lưng nên đi nắn bẻ khớp tại nhà một thầy lang ở Datek, Lâm Đồng.
Sau khi đi nắn bẻ khớp khoảng nửa ngày thì toàn thân uể oải và mệt mỏi, sờ tay ra phía sau lưng các chỗ nắn thì đau nhói, sờ cảm giác bị trượt, lệch đốt sống ra ngoài, vận động, hít thở mạnh hay tập thể dục đều thấy đau.
Tình trạng đau nhức ngày càng nặng nên đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM để khám.
Ngày 29.5, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết qua thăm khám phát hiện bệnh nhân gù nhẹ, sờ nắn hai bên cột sống ngực và các đốt sống thì bệnh nhân thấy đau nhói. Trên phim X-quang cho thấy, đốt sống ngực T5-T6 bị tổn thương nứt vỡ ngay khớp sụn sườn 2 bên. Xương sườn 10 bên trái bị gãy gần khớp sụn xườn. Khớp sụn sườn 11, 12 bị toác so với các khớp khác.
Từ lúc tổn thương đến nay, bệnh nhân không nghỉ ngơi mà vận động thường xuyên, hay vặn người, với tay, khiêng đồ. Đây có thể là yếu tố dẫn đến tình trạng xương, khớp không lành trong thời gian dài.
Theo bác sĩ Calvin, gần đây Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM tiếp nhận nhiều ca là nạn nhân của nắn bẻ xương khớp. Đây là hậu quả theo trào lưu trên mạng xã hội. Một số thầy lang hay kỹ thuật viên dùng lực quá mạnh với mục đích tạo tiếng kêu to như trên các video để chứng tỏ “tay nghề”.
Nắn bẻ các khớp đặc biệt các khớp cột sống phải đảm bảo sức khỏe cột sống trước khi thực hiện kỹ thuật này, phải đảm bảo các đốt sống không bị trợt, xẹp, nứt vỡ. Việc nắn bẻ không đúng cách có thể gây tổn thương tủy và liệt, thậm chí tử vong.
“Nắn chỉnh khớp là kỹ thuật làm tăng biên độ vận động của khớp, giảm căng mỏi, tê cứng, thư giãn trong thời gian ngắn. Không nên áp dụng thường xuyên và không phải cứ phải bẻ cho kêu to mới là hiệu quả mà phải đánh giá trước và sau điều trị”, bác sĩ Calvin chia sẻ.