Trong cuộc cải tổ Nội các đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 13/11 đã đưa ra một quyết định gây chấn động chính trường “xứ sở sương mù”.
Theo đó, cựu Thủ tướng David Cameron (2010-2016) đã trở lại tuyến đầu sau 7 năm “ở ẩn”. Sự trở lại của ông Cameron không chỉ gây kinh ngạc mà còn gây chia rẽ ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền trong bối cảnh đảng này đang tụt lại phía sau so với Đảng Lao động trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm tới.
Ông Sunak cũng có nguy cơ gặp phải phản ứng dữ dội từ các thành viên cánh hữu trong đảng sau khi loại bà Suella Braverman khỏi vị trí Bộ trưởng Nội vụ sau nhiều ngày đồn đoán về tương lai chính trị của vị quan chức có quan điểm cứng rắn, và thay thế bà bằng người đồng cấp ôn hòa James Cleverly.
Ông Cleverly vốn là Ngoại trưởng. Do đó, để “điền vào chỗ trống này”, ông Cameron, người vừa được bầu cấp tốc vào Thượng viện, đã được bổ nhiệm làm nhà ngoại giao hàng đầu của Vương quốc Anh – đánh dấu sự trở lại chính phủ đầu tiên của một cựu Thủ tướng kể từ thời ông Alec Douglas-Home vào những năm 1970.
Ông Cameron cho biết, ông hy vọng kinh nghiệm làm Thủ tướng từ năm 2010 đến năm 2016 sẽ giúp ông giải quyết những thách thức hiện tại trên trường quốc tế.
“Mặc dù tôi đã không tham gia chính trường trong 7 năm qua, nhưng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi – với tư cách là Lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong 11 năm và Thủ tướng trong 6 năm – sẽ hỗ trợ tôi trong việc giúp Thủ tướng đương nhiệm giải quyết những thách thức quan trọng này”, ông Cameron cho biết trong một tuyên bố trên X/Twitter sau khi được bổ nhiệm.
Ông Cameron, người từ chức một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh – Brexit (23/6/2016 – 23/6/2023), đã dành 7 năm kể từ đó để viết hồi ký và theo đuổi công việc kinh doanh.
Lựa chọn phù hợp
Politico EU đã trò chuyện với hơn nửa tá nghị sĩ và Bộ trưởng Đảng Bảo thủ, những người hoan nghênh sự trở lại của ông Cameron. Hầu hết, nhưng không phải tất cả, đều đến từ cánh tả và cánh trung của Đảng Bảo thủ. Một số người yêu cầu giấu tên để thoải mái phát biểu về tình trạng của đảng cầm quyền.
“Điều này thực sự có thể trở thành một bước đột phá” của ông Sunak và báo trước “sự trở lại của nền tảng trung dung hợp lý”, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ được bầu vào năm 2019 cho biết.
Một nghị sĩ khác được bầu vào Hạ viện năm 2019 cho rằng khi còn là lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Cameron đã giúp đoàn kết đảng trở lại sau nhiều năm chia rẽ.
Với tư cách lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Cameron đã hiện đại hóa hình ảnh của chính đảng này, đa dạng hóa việc tiếp nhận các đại biểu và đàm phán một liên minh từng không mấy khả thi với Đảng Dân chủ Tự do trung tả vào năm 2010 để chấm dứt nhiều năm cầm quyền của Đảng Lao động.
Ông Cameron cũng đã chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland vào năm 2014, và sau đó giành chiến thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 – khi nhiều chuyên gia dự đoán về một quốc hội “treo” (tức không đảng nào giành đủ đa số ủng hộ để thành lập chính phủ).
Nghị sĩ Richard Graham, đại diện cho Gloucester và là đặc phái viên thương mại khu vực Đông Á, cho biết việc bổ nhiệm ông Cameron là một sự lựa chọn phù hợp vì “kinh nghiệm sâu sắc và tính tình hòa dịu” của cựu Thủ tướng.
Một cựu Bộ trưởng khác có chung ý kiến, nói rằng động thái này sẽ “trấn an đảng và công chúng rằng Đảng Bảo thủ nghiêm túc trong việc quản trị và giành chiến thắng”.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đại diện cho các khu vực ở miền Nam nước Anh hy vọng rằng sự trở lại của ông Cameron sẽ được cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ở nhiều khu vực trong số này, Đảng Bảo thủ đang phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ Tự do cánh tả.
Những điều tranh cãi
Nhưng những động thái cải tổ Nội các của Thủ tướng Sunak đã khiến một số nghị sĩ cánh hữu của Đảng Bảo thủ phẫn nộ. Họ cho rằng điều đó thể hiện sự chuyển dịch sang cánh tả trong chính phủ của ông Sunak.
Nghị sĩ Dame Andrea Jenkyns – một người trung thành với cựu Thủ tướng Boris Johnson – tiết lộ rằng bà đã gửi thư bất tín nhiệm đối với ông Sunak vào tối ngày 13/11, lấy lý do là việc bà Braverman bị sa thải. Bức thư, được đăng đầy đủ trên X/Twitter, mô tả cuộc cải tổ là một cuộc “thanh trừng” phe “trung hữu”.
Các thành viên của các nhóm kín Đảng Bảo thủ là New Conservatives và Common Sense Group cũng đã họp vào tối 13/11 để thảo luận về tác động của việc sa thải bà Braverman.
Trong trường hợp của ông Cameron, một số người ở Hạ viện cho rằng những tranh cãi về hoạt động của ông Cameron kể từ khi rời nhiệm sở có thể khiến Thủ tướng Sunak “hối hận” khi đưa ông này trở lại chính trường.
Cựu Thủ tướng Cameron là trung tâm của vụ bê bối Greensill, một trong những vụ vận động hành lang lớn nhất trong lịch sử chính trị gần đây của Anh. Các chiến lược gia của Đảng Lao động tại Quốc hội Anh hôm 13/11 đã đề cập đến Greensill khi tuyên bố rằng việc bổ nhiệm ông Cameron cuối cùng sẽ gây tổn hại cho Đảng Bảo thủ.
Khi được hỏi về những tranh cãi trên, ông Cameron nói với các đài truyền hình hôm 13/11: “Theo những gì tôi biết, tất cả đã được giải quyết và đã là quá khứ”.
Ngoài ra, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã bị Bắc Kinh trừng phạt cũng lo ngại về ý nghĩa việc bổ nhiệm ông Cameron làm Bộ trưởng Ngoại giao đối với cách tiếp cận của Vương quốc Anh đối với Trung Quốc.
Khi còn là Thủ tướng, ông Cameron đã báo trước một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Bắc Kinh. Ông đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Vương quốc Anh năm 2015.
Khi rời nhiệm sở, ông Cameron trở thành Phó Chủ tịch của một quỹ đầu tư Anh-Trung. Politico EU trước đó đưa tin rằng, hồi tháng 9, ông Cameron đã tới Sri Lanka để thu hút đầu tư vào một thành phố cảng do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Colombo của đảo quốc Nam Á.
Minh Đức (Theo Politico EU, RFI, iNews)