TPO – Xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) từng được biết đến là vùng lõi nghèo của tỉnh Lai Châu, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 95%. Thế nhưng, nhờ những người tiên phong mở lối thoát nghèo dám nghĩ, dám làm, cái đói, cái nghèo ngày một giảm, đời sống người dân ngày thêm khá lên.
Pa Ủ là xã khó khăn nhất huyện Mường Tè, có 894 hộ với trên 98% là người dân tộc La Hủ sinh sống ở 11 bản.
Trước đây, người La Hủ thường làm nhà, lều rải rác ở ngay trên nương, trên núi cao thuộc hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè. Nhà lợp lá, lá vàng lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ mới có tên Xá Lá Vàng. Người La Hủ về Pa Ủ lập bản từ những năm 2006 – 2008. Ngày đầu lưa thưa vài nóc nhà dựng quanh ĐBP, còn lại đa phần vẫn còn ở xa, họ sống từng chỏm vài hộ heo hút mãi trên những dãy núi cao.
Chúng tôi theo chân bộ đội lên bản Pha Bu. Những con đường đất trước đây đã được thảm bê tông sạch sẽ. Hai bên đường là những căn nhà mái tôn, nhà sàn gỗ đỏ au san sát nhau. Được dẫn đến nhà Bí thư, Trưởng bản Pờ Lò Hừ (SN 1981), người đi đầu trong sản xuất ở địa phương.
Nhà anh Hừ là căn nhà sàn rộng chừng 100m2, phía sau còn có căn nhà cấp bốn với mái tôn khang trang. Ngay cửa vào, một góc dưới sàn nhà được xếp kín những bao thóc (khoảng 300 bao). Trên tường gỗ treo la liệt những bằng khen, giấy khen của anh Hừ và con cái. Bên trong gian nhà cấp 4 hơn 700 bao thóc đã được chủ nhà xếp ngay ngắn.
Kho thóc nhà anh Hừ |
“Những ngày mới mua con giống, tôi mạnh dạn trao đổi với cán bộ xã, chỉ huy ĐBP (gọi điện bất kể thời gian nào) để hỏi cách chăm sóc, thời điểm mua giống, chữa bệnh…, các anh ấy chỉ bảo tận tình, sâu sát nên tôi ngày càng có kinh nghiệm, đàn gia súc của tôi mỗi ngày một phát triển. Không những thế, mỗi khi muốn trồng cây gì, nuôi con gì tôi đều điện thoại hỏi ý kiến các anh ấy”, anh Hừ chia sẻ và cho biết thêm, ngoài trồng lúa nước gia đình anh còn trồng gần 200m2 tam thất, thu hoạch thảo quả. Tổng thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Bí thư Pờ Lò Hừ là người La Hủ, sinh ra ở bản Trà Kế. Thủa nhỏ, Hừ theo cha mẹ di chuyển khắp vùng, không được học hành, kinh tế khó khăn, không đủ ăn. Anh em họ hàng mỗi người một nơi, đi đến đâu dựng lều lán ở đến đó. Đến năm 20 tuổi, anh về bản định cư, tập trung chăn nuôi gia súc. Sau khi chính quyền, bộ đội biên phòng san nền lập bản, anh kéo anh em, họ hàng về bản định cư, hướng dẫn họ chăn nuôi, sản xuất.
Trước những khó khăn về địa hình, thời tiết, xuất phát điểm thấp của gia đình cũng như dân tộc mình, là đảng viên, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, Pờ Lò Hừ đã mày mò tìm tòi, học hỏi để vực dậy kinh tế gia đình. Sau nhiều năm cần mẫn, đến nay anh Hừ đã có trong tay tài sản hàng tỷ đồng, với đàn trâu bò hơn 100 con, hàng chục héc ta quế, sa nhân, thảo quả, sâm…
Không chỉ thế, Bí thư bản Pha Bu còn tạo công ăn việc làm cho 20 người có lúc cao điểm lên đến 40 người. Họ là những người thân trong gia đình, hàng xóm trong bản. Mô hình hoạt động của gia đình anh Hừ giống như một HTX nông nghiệp, cùng ăn, cùng làm và cùng chia sản phẩm. Anh Hừ còn hướng dẫn, hỗ trợ những anh em muốn phát triển kinh tế, xây dựng mô hình riêng, từng bước thoát nghèo và cuộc sống ngày thêm khấm khá.
Phó trưởng bản Pha Bu Pờ Gặng Đư cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của anh Hừ, kinh tế gia đình đã ổn định. Anh vừa xây một căn nhà sàn gỗ khang trang ngay đầu bản. Số tiền xây dựng cũng lên đến 400 – 500 triệu đồng.
Từ mô hình kinh tế trang trại của bí thư chi bộ, trưởng bản Pờ Lò Hừ, đến nay ở xã Pa Ủ đã xuất hiện nhiều mô hình khác tại bản Thăm Pa, Nhú Ma, Ứ Ma, Xà Hồ, Mu Chi…
Hình ảnh bản Pha Bu |
Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Đào Văn Thức cho biết, tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng người La Hủ ở Pa Ủ đã cơ bản có nhà ở, có nương sản xuất, đời sống dần ổn định. Có gia đình được giúp đỡ nuôi giữ bò để phát triển kinh tế. Có những gia đình còn tham gia giữ rừng được trả tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm được chi trả hơn 20 triệu đồng. Những hộ có nương lúa kém hiệu quả sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi sang trồng rừng, trồng quế.
Những gương điển hình như Pờ Lò Hừ rất đáng trân trọng. Anh Hừ đã tạo sức lan tỏa và là tấm gương để động viên, giúp đỡ, vận động bà con nhân dân địa phương học và làm theo, từ đó góp phần làm cho kinh tế – xã hội của xã từng bước được nâng lên.
Nguồn: https://tienphong.vn/gap-ty-phu-cua-nguoi-la-hu-o-muong-te-post1563372.tpo