“Sức khỏe” nền kinh tế suy giảm
Bức tranh kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp (DN), người dân đang hết sức khó khăn là nhận định chung của nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) khi thảo luận tại tổ về KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và nhiều nội dung khác, sáng 25.5.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho biết những tháng đầu năm, số lượng DN đăng ký mới giảm, số lượng lao động thất nghiệp tăng lên. Cho tới ngày 21.5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp. “Có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nói có giai đoạn 2 tuần liền không bán được món hàng nào. Điều này cho thấy cầu giảm, do khó khăn, người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, lương không có, DN nợ, họ không có chi phí sinh hoạt”, ông Vân nêu.
ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, dẫn chứng những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, số DN phá sản, giải thể, đóng cửa tăng lên đột biến. “Nếu quan sát ở các vị trí trung tâm Q.1 trước đây luôn luôn nhộn nhịp, mua bán sầm uất thì chúng ta sẽ thấy hiện gần 30% đóng cửa. Đây là vấn đề rất lo ngại”, bà Châu nói. Theo ĐB TP.HCM, đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ song các chính sách này không có căn cơ vì cái chính là “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế đang bị suy giảm.
ĐB Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) nhìn nhận “sức khỏe” nền kinh tế thực tế yếu, thiếu nền tảng nên chỉ cần một đợt dịch Covid-19 là nền kinh tế lao đao ngay, thậm chí thiếu cả tiền mặt để tiêu, chưa nói vấn đề khác. ĐB này phân tích chúng ta chỉ say sưa với chỉ số tăng trưởng GDP, trong khi đây không phải là chỉ số duy nhất đánh giá “sức khỏe” nền kinh tế.
“Chúng ta cứ đi thống kê rồi vui đột xuất, buồn đột xuất. Cao thì chúng ta vỗ tay, thấp thì chúng ta ngồi tìm cách giải thích. Như vậy nghĩa là ta chả chủ động được cái gì”, ông Hồi nói và cho rằng cần phải nhìn nhận rõ chúng ta đang đứng trên những nền tảng nào, khỏe hay yếu, cứng hay mềm để đứng được vững hơn.
Nhiều “cục máu đông”
Nhiều ĐB cho rằng “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế suy giảm do đang tồn tại nhiều “điểm nghẽn”. ĐB Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị) dẫn chứng tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng đã đứng ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5 này đã vượt mốc 1 triệu tỉ đồng.
“Đây là một vấn đề nhức nhối. Một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế”, ông Đồng nói và cho rằng thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu, các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh QH
Trong khi hàng triệu tỉ đồng nằm trong ngân hàng, ĐB Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên-Huế), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết việc tiếp cận vốn của DN lại hết sức khó khăn. Không chỉ mức lãi suất cao, theo ông Nam, một số ngân hàng còn thu các khoản phí không chính thức hoặc gợi ý các dịch vụ như bảo hiểm, gây khó khăn cho DN. “Ngân hàng đồng ý cho vay rồi, nhưng gợi ý mua thêm bảo hiểm. Nếu DN không mua thì hôm sau lên vay vốn lại tránh mặt, nói anh đang bận họp”, ông Nam nêu.
Nhiều ĐB cho rằng nguyên nhân của tình hình ảm đạm nói trên, bên cạnh sự tác động của dịch Covid-19 và tình hình thế giới thì quan trọng nhất là chất lượng thể chế và cán bộ. Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng vòng đời các đạo luật quá ngắn cho thấy tầm nhìn lập pháp, tư duy chiến lược quá ngắn, ăn đong, hành dân và khổ DN. ĐB này cũng đề cập đến một số bất cập. “Ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thu hồi lại dự án. Trong khi DN đã bỏ hàng trăm tỉ đồng vào dự án, rồi trả lãi suất ngân hàng, thế là họ chết”, ông Vân nói.
Những vướng mắc, chồng chéo, thiếu tầm nhìn tổng thể, chiến lược trong các quy định pháp luật cũng dẫn đến ách tắc, trì trệ khi triển khai thực hiện.
Dẫn chứng các quy định đối với trái phiếu DN, ĐB Nguyễn Hải Nam cho biết năm 2020, Nghị định 153 của Chính phủ mở ra rất rộng, nhiều trái phiếu DN chưa được đánh giá dẫn đến tình trạng mất vốn của người dân, trong đó có cả dân nghèo. Đến năm 2022, sau khi xảy ra một số sự việc, Chính phủ lại ban hành Nghị định 65 siết chặt hoạt động này. Sang tới năm 2023, Chính phủ lại phải ban hành Nghị định 08 để sửa đổi để “tháo gỡ khó khăn” cho thị trường này. “Giá như lúc đầu khi soạn nghị định chúng ta có quan điểm tương đối hài hòa, tổng thể thì thị trường trái phiếu DN không bị khó khăn như vài năm vừa qua”, ĐB Nam nêu.
Địa phương xin ý kiến các ngành quá nhiều
Tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá những thách thức lớn nhất của DN hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH-ĐT đặc biệt nhấn mạnh đến khó khăn rất lớn hiện tại là ách tắc thủ tục hành chính. Nhiều DN đang kêu ca, lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục rất chậm ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc.
“Nếu chúng ta không giải quyết nhanh vấn đề này thì hoạt động của DN bị cản trở, DN sẽ khó khăn. Mà DN khó thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Dũng nói và cho rằng: “Ở địa phương phối hợp không chặt chẽ, xin ý kiến các ngành nhiều quá, nhiều cái không cần thiết. Cần chấn chỉnh ngay thì mới hỗ trợ được DN”.
Liên quan vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH, cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho cán bộ công chức và DN. “Hiện nay có tình trạng cái gì cũng gửi văn bản xin ý kiến, tức là không muốn làm thì cứ hỏi đi hỏi lại thôi. Và làm như vậy thì lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian cho xã hội”, ông Toàn nêu.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh QH, dẫn chứng câu chuyện xuất khẩu sản phẩm tái chế từ rác thải ách tắc, dù Chính phủ đã có hướng dẫn. Theo ông Đức, cơ quan hải quan nói Chính phủ, Bộ TN-MT đã có hướng dẫn nhưng không có danh mục cụ thể nên cơ quan hải quan không thể cho xuất khẩu. “Có DN ở Hưng Yên có 3.000 công nhân hiện vướng hơn 100.000 sản phẩm tái chế nhưng không xuất khẩu được, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN và đời sống người lao động”, ông Đức nêu.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Quốc Khánh, Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐB QH Lai Châu, dẫn ví dụ việc khai thác cát cho các công trình hạ tầng liên quan tới nhiều luật và phải thực hiện đấu thầu dẫn đến chậm trễ. “Bắt buộc đấu thầu thì thời gian có khi hơn 1 năm mới xong, lúc đó công trình đã xong rồi. Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ TN-MT nhưng hiện nay bộ trả lời là cũng còn đang nghiên cứu”, ông Khánh cho biết.
ĐB Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng sự chậm trễ trong quy hoạch hiện nay đang gây ách tắc và lúng túng cho địa phương, dẫn đến tình trạng “không ông nào dám làm cả, chỉ ngồi kêu thôi”. Theo ông, nếu như phân cấp quản lý tốt để những người đứng đầu địa phương dám quyết mạnh thì có thể xoay chuyển tình thế, tạo ra sự thi đua giữa các vùng miền, địa phương. “Còn hiện nay thì chỉ bó tay, chỉ chờ. Ai cũng hiểu, chỉ một người nếu không hiểu là chết cả. Đây là một cái cực kỳ khó khăn cho địa phương nếu ta không giải quyết được”, ông Hồi nhấn mạnh.
Mấu chốt vẫn nằm ở cán bộ
Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, nguyên nhân mấu chốt vẫn nằm ở cán bộ, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đoàn Yên Bái) thừa nhận hiện nay có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Theo bà Trà, đây là những biểu hiện suy thoái, cản trở sự phát triển, giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước.
Không thể để “chờ xem sao”
ĐB Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cũng phản ánh tình trạng các DN cũng đang rơi vào tình trạng “chờ xem sao”. “Đối với kinh tế, việc chờ xem sao của những người nắm nguồn lực của đất nước sẽ làm chúng ta mất chi phí cơ hội. Mà mất chi phí cơ hội trong kinh tế là cái mất vô giá”, ông Hồi nhấn mạnh và cho rằng đây là điều đang diễn ra mà “không có giải pháp thì rất nguy hiểm”.
Khẳng định phải có thái độ rất rõ ràng và “không thể bênh” các biểu hiện này trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn, bà Trà cho hay thời gian qua, Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này và Chính phủ đã có rất nhiều chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước; đẩy mạnh học tập, làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng để giải quyết tình trạng này cần phải quyết liệt hơn nữa. “Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt nhưng các bộ, ngành chưa quyết liệt, cần đưa ra QH yêu cầu tất cả các bộ, ngành bắt tay làm. Tất cả người có trách nhiệm phải trăn trở, suy nghĩ tính toán có những giải pháp căn cơ. Không thể để sợ sai, sợ trách nhiệm, vướng mắc thể chế cản trở phát triển”, theo ông Đức.
ĐB Lê Thanh Vân đề nghị QH giám sát tối cao thực thi trách nhiệm quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống. “Thủ tướng xông xáo “tả xung hữu đột” nhưng bộ trưởng, trưởng ngành, cả cấp ủy địa phương chưa ăn khớp. Phải có chấn chỉnh”, ông Vân đề nghị.
Cải thiện môi trường đầu tư thực chất là rất quan trọng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) năm 2022, có tới 71,7% DN đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN là phổ biến”, cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021. “Hiện nay, DN, người dân rất khó khăn, thu hút đầu tư FDI đang có dấu hiệu suy giảm, thách thức rất lớn. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất là rất quan trọng, có ý nghĩa”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Gỡ khó cho DN, giải phóng năng lực trong nước cũng là vấn đề nhiều ĐB đề cập. ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, công ty khởi nghiệp phải coi là DN dân tộc, cần phải “nuôi dưỡng”. Nêu quan điểm không nên hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, ông Vân cho rằng những vụ án nào thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo thì phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm để gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, DN. “Nếu kéo dài thì DN nào cũng lo lắng, thấp thỏm, sợ mình vi phạm tương tự nên không dám làm gì”, ông Vân nêu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể là xây dựng và hoàn thiện thể chế vì có những mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn như lĩnh vực: đầu tư, tài chính ngân sách, đầu tư công… Bà Trà cũng cho biết phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bỏ thói quen xin ý kiến, xin chủ trương, thống nhất trước khi cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện quyền hạn đã được quy định trong pháp luật.
Bà Trà cũng thông tin Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng nội dung này vướng rất nhiều quy định của pháp luật. Do đó, Bộ Nội vụ đang báo cáo với QH, Ủy ban Thường vụ QH để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Thủ tướng mới ban hành nghị định.
Tuy nhiên, theo bà Trà, quan trọng nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiên quyết mạnh tay xử lý cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.