Để thực hiện việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024, cuối năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo các luật gia, bên cạnh văn bản pháp quy hết sức quan trọng này, vẫn cần ban hành thêm nhiều văn bản pháp luật và cần gấp rút thực hiện nhiều động thái khác.
Khẳng định những ảnh hưởng của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là “không nhỏ và cấp bách”, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế, ngoại lệ, nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể, dựa trên mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế… hoặc duy trì giai đoạn chuyển tiếp, gia hạn đăng ký đối với đầu tư vào các nước đang phát triển.
EuroCham khuyến nghị Việt Nam tiến hành đàm phán với các nước nơi nhà đầu tư nước ngoài cư trú, thành lập để ký các hiệp định song phương về việc không áp dụng quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cho một số dự án đầu tư cụ thể, đồng thời cân nhắc chính sách hỗ trợ nhà đầu tư dựa trên cơ sở chi phí, thay vì dựa trên thuế suất như hiện tại, áp dụng cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay ngoài chính sách ưu đãi thuế, Luật Đầu tư năm 2020 còn quy định nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư khác như hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển…
Trong bối cảnh phải đưa ra các chính sách cụ thể để bù đắp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cơ quan có thẩm quyền có thể tập trung xây dựng các quy định chi tiết để áp dụng các hình thức này.
Chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tất nhiên, các chính sách này cần đảm bảo tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước; không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khả thi, dễ thực hiện.
Đáng lưu ý, Việt Nam không chỉ quan tâm đến quyền lợi của các doanh nghiệp hiện hữu đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, mà còn phải quan tâm đến việc thu hút thêm đầu tư từ các nhà đầu tư mới.
Do đó, yêu cầu luật hóa và thiết kế các chính sách mới là hết sức cấp thiết để duy trì tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, tránh thiệt thòi cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế đang hoạt động tại Việt Nam, tránh phát sinh những tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước trong hoạt động đầu tư.
ANH THƯ