‘Nhiều trường hợp chỉ phát hiện mắc bệnh thận khi chức năng thận đã suy yếu nghiêm trọng và gây ra nhiều triệu chứng bất lợi’. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Khát nước liên tục do tiểu đường, làm sao để kiểm soát?; Bác sĩ tiết lộ sai lầm số 1 mọi người có thể mắc phải khi uống nước; Thực phẩm giàu tinh bột tốt cho sức khỏe…
5 dấu hiệu nghiêm trọng cảnh báo thận đang tổn thương
Thận ngoài việc lọc chất thải khỏi máu, điều hòa huyết áp, cân bằng điện giải, còn giúp tiết hoóc môn và nhiều chức năng khác. Do đó, bất cứ khi nào thận bị suy yếu thì cơ thể sẽ gặp hàng loạt vấn đề bất ổn.
Nhiều trường hợp chỉ phát hiện mắc bệnh thận khi chức năng thận đã suy yếu nghiêm trọng và gây ra nhiều triệu chứng bất lợi.
Những dấu hiệu nghiêm trọng cảnh báo thận tổn thương gồm:
Đi tiểu thường xuyên. Một trong những bất ổn thường gặp cảnh báo thận đang có vấn đề là đi tiểu nhiều. Thậm chí, tiểu đêm thường xuyên còn gây gián đoạn giấc ngủ và khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái kiệt sức. Tiểu nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh như viêm thận kẽ, tổn thương thận do bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Da khô và ngứa. Thận khỏe mạnh sẽ giúp loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả, đồng thời giúp duy trì lượng khoáng chất khỏe mạnh trong máu. Khi chức năng thận suy giảm, hàm lượng chất thải và khoáng chất trong máu sẽ mất cân bằng. Kết quả là khiến da bị khô và ngứa.
Nước tiểu có bọt và hôi. Nước tiểu có nhiều bọt và mùi hôi là dấu hiệu cho thấy hàm lượng protein trong nước tiểu đang cao bất thường. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta phải xả nước nhiều lần mới hết bọt. Bọt này trông giống như bọt xuất hiện khi đánh lỏng trứng gà. Nguyên nhân là vì protein trong nước tiểu là albumin, loại protein cũng có nhiều trong trứng. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 15.11.
Khát nước liên tục do tiểu đường, làm sao để kiểm soát?
Khát nước liên tục là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất cảnh báo bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao khiến thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải đường. Quá trình này cũng làm tăng bài tiết nước, dẫn đến tình trạng mất nước và gây khát liên tục.
Có nhiều nguyên nhân gây khát nước. Tuy nhiên, khát nước do tiểu đường thì cơn khát sẽ xuất hiện liên tục, kèm theo các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, khô miệng, khô mắt, cơ thể mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân.
Khi lượng đường glucose trong máu tăng cao, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Kết quả là khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên và tăng nhu cầu sử dụng nước của cơ thể, từ đó gây khát.
Để giảm cơn khát và ổn định đường huyết, người bệnh có thể áp dụng những cách sau:
Uống nước và trà thảo mộc. Vì cơ thể cần nước nên người bị tiểu đường cần uống nước khi khát. Ngoài nước lọc, họ có thể uống các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc hoặc trà bạc hà. Các loại trà này chứa những dưỡng chất rất có lợi cho người tiểu đường.
Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Các loại thực phẩm giàu chất xơ là rau lá xanh, hạt chia, yến mạch, gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 15.11.
Bác sĩ tiết lộ sai lầm số 1 mọi người có thể mắc phải khi uống nước
Lời khuyên tốt nhất là hãy lắng nghe cơ thể bạn. Nếu cảm thấy khát, hãy uống nước. Nếu không khát, không cần phải uống. Điều này sẽ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ uống quá nhiều hoặc quá ít nước.
Có phải cứ uống đủ 8 ly nước mỗi ngày là tốt nhất? Không hẳn vậy. Bác sĩ Tamara Hew-Butler, Phó giáo sư tiến sĩ, Khoa Khoa học thể dục và thể thao tại Đại học Wayne State ở Detroit, Michigan (Mỹ), chia sẻ: Lời khuyên tốt nhất là hãy lắng nghe cơ thể bạn. Nếu cảm thấy khát, hãy uống nước. Nếu không khát, không cần phải uống. Điều này sẽ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ uống quá nhiều hoặc quá ít nước.
Bác sĩ Hew-Butler lưu ý: Uống quá ít nước không tốt, nhưng uống quá nhiều nước, đặc biệt là đối với các vận động viên, có thể rất nguy hiểm. Đây là sai lầm số 1 mà nhiều người mắc phải khi uống nước. Điều này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm sau:
Mất chất điện giải. Uống quá nhiều nước trong và sau khi tập thể dục có thể làm mất các chất điện giải quan trọng. Chất điện giải mất đi cần được bù lại, cô Amanda Beaver, chuyên gia dinh dưỡng sức khỏe tại Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ), cho biết. Chúng rất cần cho các cơn co cơ.
Lượng natri thấp nguy hiểm. Chuyên gia Beaver lưu ý: Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến tình trạng là hạ natri máu đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng nồng độ natri trong máu giảm quá thấp do bị pha loãng bởi uống nước quá mức hoặc mất natri quá mức do đổ quá nhiều mồ hôi mà không được bù lại. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-gap-nhung-dau-hieu-sau-ban-hay-di-kham-than-185241114231435517.htm