Tôi theo chân bạn tìm đến nhà Nghệ nhân Dân gian Lương Thiêm Phú, 92 tuổi- nổi tiếng là người làm nên những cây đàn tính ở khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Căn nhà hai tầng rộng rãi khang trang nằm giữa thung lũng có nhiều mảnh ruộng lúa xanh rì đang cữ thì con gái. Nghệ nhân Lương Thiêm Phú đang cặm cụi với những cây đàn bé xinh như ngón tay ở sân. Thấy chúng tôi, ông ngừng tay xởi lởi mời chúng tôi vào nhà uống nước và trò chuyện.
Dù biết ông đã lâu, nhưng hôm nay tôi mới có dịp tìm đến nhà ông để tìm hiểu về người nghệ nhân cao tuổi này. Ngồi trong ngôi nhà khang trang trước cánh đồng lúa mùa xuân xanh ngăn ngắt, hương lúa như phảng phất thơm đâu đây, Nghệ nhân Dân gian Lương Thiêm Phú tâm sự với chúng tôi, khi còn bé, ông vẫn thường theo người lớn đi xem và nghe biểu diễn hát then. Ông thường nhẩm hát theo, lâu dần cũng thuộc và biết hát. Thấy ông thích hát then, những người già trong thôn đã chỉ cho cách hát nhấn nhá luyến láy, ngân giọng và dạy cho nhiều bài hát mới. Lớn hơn chút, tầm hơn hai mươi tuổi thì ông bắt đầu tập sáng tác các bài hát then mới.
Lão nghệ nhân tâm tư với chúng tôi là một thời gian dài, do đời sống kinh tế khó khăn, những lý do này khác nên việc hát hò đã gần như bị lùi vào quên lãng, các câu then cổ đã mai một đi nhiều. Vì hát then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, ông cứ băn khoăn nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một nhanh lắm, luôn đau đáu mong muốn là được có thể thì truyền dạy cho con cháu mình. Thế rồi đến cuối năm 2007, ông đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Then Tình Húc (khi ấy còn là xã Tình Húc, chưa nhập vào thị trấn Bình Liêu như bây giờ) do ông làm Chủ nhiệm gồm 18 thành viên ban đầu. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thường kỳ hằng tuần, phần lớn thời gian rảnh thì tự đến từng thôn, bản để dạy cho bọn trẻ có đam mê hát then. Từ khi đam mê và nuôi dưỡng niềm đam mê với then, Nghệ nhân Lương Thiêm Phú đã sưu tầm được 6 bài then cổ, sáng tác được hơn trăm bài hát then mới, mở được 16 lớp dạy hát then, đàn tính cho 360 người đủ các lứa tuổi tại các địa phương.
Nghệ nhân Dân gian Lương Thiêm Phú không chỉ biết hát then giỏi, mà ông còn truyền dạy và sưu tầm nhiều câu, bài then cổ của người Tày. Vừa sưu tầm, vừa truyền dạy then, ông và bạn ông còn tự mày mò mua vật liệu về để sản xuất những cây đàn tính hai dây rất độc đáo ở Bình Liêu. Nhiều người biết đến và sản phẩm đàn tính của ông đã bán được cho khách du lịch và những người yêu đàn tính, yêu điệu hát then của người Tày ở Bình Liêu. Không chỉ làm đàn tính để phục vụ biểu diễn mà ông còn làm cả những chiếc đàn tính nhỏ xinh phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Bình Liêu.
Tôi nghĩ, ở độ tuổi của ông, có thể hoàn toàn nghỉ ngơi, nhưng thật đáng quý, ông vẫn miệt mài sưu tầm, ghi chép các bài then cổ, sáng tác những bài then mới. Rồi phổ biến truyền dạy cho con em trong vùng. Nhiều nơi ở vùng khác như Lạng Sơn, Thái Nguyên cũng mời ông tham gia các liên hoan then khi có dịp. Ông kể có chị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên còn cất công đến nhà ông tìm hiểu và đặt ông làm những cây đàn tính hai dây. Ông bảo, có thu nhập từ tiền bán đàn cũng vui, nhưng vui hơn là nhờ thế có nhiều người biết đến cây đàn tính, biết đến hát then của người Tày Bình Liêu. Hạnh phúc của tuổi già không gì vui hơn là được truyền dạy cho các con cháu nhớ về câu hát của cha ông. “Sau này không biết thế nào, nhưng cứ có thể truyền dạy được là tôi dốc hết tâm can cho họ. Những câu then xưa hay lắm cô ạ” – Nghệ nhân Lương Thiêm Phú tâm sự rồi ông mở tủ lục tìm những bài then ông sưu tầm, sáng tác, những tập giấy úa vàng, có cả những trang chữ học trò viết, nét chữ tròn vo ngay ngắn, chắc là cháu ông chép hộ.
Những câu then đập vào mắt tôi đầy cảm xúc, là lời ca, là thứ tình ca đặc biệt của người Tày, chậm rãi, véo von, ríu rít và hòa quện với núi rừng biên giới Bình Liêu. Tôi chép lại những lời ca của ông sáng tác theo lối then cổ ấy: “Cầu phẳng lỳ Pắc Hoóc/ Xe mọi góc đi qua/ Xe của ta ta cưỡi/ Xe to nhỏ nối nhau… Cây thông trồng đất ngạn lá xanh/ Em tranh thủ cào nhanh lấy nhựa/ Đợi anh em hứa đã bán cho…/ Nước Pha Poóng mừng rơi/ Thác Khe Vằn mừng chị/ Thóc gạo quý ấm no… Bản em có dòng sông trong mát/ Ruộng bậc thang xanh ngát lúa tươi/ Núi cao thấp cây tương xanh tốt/ Dồn lại để đẹp nốt Bình Liêu…”.
Câu chữ giản dị, bộc lộ tình yêu với quê hương Bình Liêu thân thương chỉ như thế thôi, nhưng là nét đẹp văn hóa đã và đang được những người như ông bảo tồn, phát huy và gìn giữ rất cẩn trọng. Vì thế, năm 2014, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận ông là Nghệ nhân Dân gian. Năm 2019, Nghệ nhân Dân gian Lương Thiêm Phú đã được Chủ tịch nước tặng Bằng khen và công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Những vinh dự ấy là cả một cuộc đời ông đã đam mê, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể tại quê hương Bình Liêu.