Giai đoạn 2023-2024, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) được Nhà nước đầu tư trên 5 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Tuy nhiên đến nay, huyện mới thực hiện được nội dung hỗ trợ nhà ở, còn nội dung hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất vẫn chưa thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có hơn 23.800 hộ, gần 110.000 khẩu, trong đó đồng bào DTTS có gần 9.300 hộ, hơn 46.000 khẩu, chiếm 42,43% tổng dân số toàn huyện; tổng số hộ nghèo toàn huyện 6.132 hộ, 28.783 khẩu, chiếm 25,7%, trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS có 4.514 hộ, 23.949 khẩu chiếm 48,65%. Thu nhập chính của bà con đồng bào DTTS chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao…
Ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ đồng bào DTTS đang thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Krông Bông được đầu tư 5 tỷ 210 triệu đồng để triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Năm 2024, huyện Krông Bông tiếp tục được đầu tư 2 tỷ 389 triệu đồng. Trong đó ngân sách tỉnh 164 triệu đồng; ngân sách trung ương 2 tỷ 225 triệu đồng. Huyện cũng đã phê duyệt 10 đối tượng tại xã Dang Kang 440 triệu đồng/10 hộ. Hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ tại 7 xã (Ea Trul, Hòa phong, Dang Kang, Cư Pui, Yang Mao, Yang Reh, Cư Drăm) với tổng số vốn 1 tỷ 364 triệu đồng. Hỗ trợ đất sản xuất cho 26 hộ tại 2 xã Dang Kang và Yang Mao với tổng vốn là: 585 triệu đồng. Trong đó: xã Dang Kang: 112,5 triệu đồng/5 hộ; xã Yang Mao 472,5 triệu/21hộ. Số vốn còn lại 748 triệu đồng chưa phân bổ. Tuy nhiên đến nay, huyện mới hỗ trợ cho 31 hộ làm nhà ở với tổng số kinh phí 1 tỷ 364 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chưa thực hiện được.
Ông Trần Kim Phụng – Chủ tịch UBND xã Yang Mao, (huyện Krông Bông) cho biết: Yang Mao là xã đặc biệt khó khăn, với trên 80% là đồng bào DTTS. Xã có 1 thôn và 6 buôn, trong đó hộ nghèo toàn xã chiếm 45%. Nhu cầu giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con thì nhiều nhưng quỹ đất 5% của xã không có; việc sang nhượng, trong cộng đồng không thực hiện được, vì hộ nào đất cũng chỉ đủ để sinh hoạt, nếu có dư thì họ để dành cho con cái nên không sang nhượng. Hiện nay xã và cộng đồng đang quản lý, bảo vệ 7.000ha đất 3 loại rừng, quỹ đất này hiện bà con đang canh tác nhưng không cấp cho hộ gia đình được vì Chính phủ không cho phép. Hơn nữa số tiền hỗ trợ quá thấp nên bà con không đủ mua bán sang nhượng những mảnh đất khác.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: Mức hỗ trợ để mua đất ở xen ghép quá thấp so với giá thị trường nên các hộ dân không thực hiện được và phải chờ UBND tỉnh phê duyệt Phương án sử dụng đất của Lâm trường giao về địa phương quản lý, mới có quỹ đất để tạo mặt bằng hỗ trợ đất ở. Về hỗ trợ đất sản xuất, hầu hết ở các xã quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho người dân cũng không còn.
“Trước khó khăn trên, huyện Krông Bông đã có văn bản đề nghị cấp trên điều chỉnh kinh phí đã bố trí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất năm 2023, 2024 cho huyện chuyển sang hình thức hỗ trợ khác hoặc chuyển sang hỗ trợ nhà ở giúp địa phương giải quyết tình trạng nhà dột nát, không có nhà ở để người dân sớm ổn định đời sống” – ông Pháp nói.
Theo quy định, về đất ở, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ, mức vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 50 triệu đồng/hộ; về đất sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, mức vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 77,5 triệu đồng/hộ. Hầu hết các đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo nên khó vận động họ đóng góp thêm kinh phí để mua đất ở, đất sản xuất. Ông Trần Kim Phụng đề nghị Nhà nước định hướng chuyển sang hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi nghề, ví dụ như không làm nông thì chuyển sang chăn nuôi hoặc tạo công ăn việc làm bằng hình thức xuất khẩu lao động sẽ khả thi và phù hợp hơn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/gap-kho-trong-ho-tro-dat-o-dat-san-xuat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10293402.html