Tin mới y tế ngày 25/9: Gặp họa vì tin lời giới thiệu tiêm PRP giúp “trẻ hóa khớp gối” ở phòng khám tư
Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị khỏi hai trường hợp bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân với lời quảng cáo giúp “trẻ hóa khớp gối”.
Gặp họa vì tiêm PRP ở phòng khám tư
Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị khỏi hai trường hợp bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân với lời quảng cáo giúp “trẻ hóa khớp gối”.
Hai người bệnh là bà Ngô Thị B., 71 tuổi, trú tại phường Túc Duyên và bà Trần Thị Đ., 78 tuổi, trú tại phường Quang Vinh cùng ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cùng điều trị khớp gối tại một phòng khám tư trên đường Hoàng Ngân, thành phố Thái Nguyên.
Nhiều trường hợp bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân với lời quảng cáo giúp “trẻ hóa khớp gối” (Ảnh minh họa) |
Hai bệnh nhân cho biết, cơ sở này chuyên về điều trị đông y, vật lý trị liệu. Mục đích ban đầu của người bệnh là đến cơ sở để massage cổ vai gáy. Qua hỏi chuyện và tìm hiểu, cơ sở biết bà B. và bà Đ. đau khớp gối nên đã tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp “trẻ hóa khớp gối”, bảo đảm có thể điều trị khỏi trong vòng 7, 8 năm.
Bà B. và Đ. đã quyết định tiêm huyết tương giàu tiểu cầu liệu trình 5 mũi, với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/mũi. Sau khi tiêm mũi thứ 3 vào hai khớp gối, cả 2 người bệnh đều bị đau nhức tăng lên, khớp gối sưng to, nóng đỏ, đi lại khó khăn.
Phản ánh tình trạng này, phía phòng khám chỉ kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm cho 2 bà mua uống, uống thuốc không đỡ, 2 bà quyết định vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để khám và điều trị.
Khi nhập viện, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện trung ương Thái Nguyên, 2 người bệnh được tiến hành chọc hút dịch khớp gối, lượng dịch khoảng 10-30ml mỗi bên, dịch có màu vàng đục.
Kết quả xét nghiệm dịch khớp cho thấy dịch khớp gối là dịch viêm cấp, số lượng bạch cầu trong dịch khớp tăng cao, kèm theo các chỉ số viêm trong máu như số lượng bạch cầu, máu lắng, CRP cũng tăng cao.
Người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh phối hợp đường tiêm truyền, giảm đau, chống viêm. Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng viêm, sưng đau 2 khớp gối và khả năng đi lại, vận động của 2 người bệnh đã được cải thiện, các chỉ số viêm trong máu giảm đáng kể.
Từ thực tế của 2 người bệnh, các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh, người dân khi đau khớp, có những biểu hiện bất thường trên cơ thể cần đến các cơ y tế uy tín để khám và điều trị, không nên tự tìm hiểu và điều trị tại các cơ sở không chuyên, như các spa, phòng khám tự phát không uy tín.
Thực tế hiện nay, có nhiều cơ sở tư nhân quảng cáo chữa bệnh thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau nhanh, cam kết chữa khỏi 100%. Tuy nhiên, bệnh lý về khớp nói chung phần lớn nguyên nhân là do thoái hóa, điều trị cần kiên trì, theo đúng phác đồ.
Tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng do yếu tố gia đình
Ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Có khoảng 3 – 5% trường hợp mắc ung thư đại trực tràng do di truyền và có tới 25 – 30% liên quan đến yếu tố gia đình, bao gồm nền tảng di truyền và các yếu tố rủi ro từ môi trường.
Ảnh minh họa |
Những đối tượng có yếu tố gia đình thường mắc ung thư đại trực tràng sớm hơn so với độ tuổi tầm soát 45- 50. Tuy đến nay chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh.
Nguy cơ ung thư trực tràng từ yếu tố gia đình cao hơn nếu mắc hội chứng Lynch. Hội chứng này xảy ra do sự khiếm khuyết ở một gene MLH1 hoặc MSH2.
Hội chứng đa polyp, nguyên nhân khác gây ung thư trực tràng, cũng có tính chất gia đình, xảy ra do đột biến gene APC, di truyền từ bố mẹ sang con. Gene APC ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng. Những người có yếu tố gia đình bị polyp đại tràng thì khả năng cao polyp tiến triển thành ung thư hơn người bình thường.
Lối sống, môi trường sống và thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình giống nhau, khiến mọi người dễ mắc các bệnh tương tự nhau, trong đó có ung thư trực tràng.
Theo bác sỹ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những người có yếu tố gia đình, di truyền thường tăng nguy cơ tiến triển ung thư nếu có polyp.
Bác sỹ Khanh dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình có thành viên mắc ung thư đại tràng, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác tăng gấp 2 – 4 lần. Nguy cơ này còn cao hơn nếu có nhiều hơn một thành viên mắc bệnh hoặc người bị bệnh được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ dưới 50.
Việc khai thác chi tiết tiền sử rất quan trọng giúp xác định bệnh nhân có thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao hay không, bao gồm độ tuổi, yếu tố gia đình, tiền sử bệnh cá nhân, đặc biệt là số lượng polyp mà họ đã mắc.
Từ đó có kế hoạch, giải pháp điều trị, quản lý bệnh hiệu quả, tránh cho người bệnh phải cắt đoạn đại tràng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và chất lượng sống.
Bác sỹ Khanh nhấn mạnh, tuổi ngày càng cao và tiền sử gia đình là yếu tố nguy cơ nhất đối với ung thư đại tràng: tiền sử gia đình mắc ung thư trực tràng ở họ hàng cấp độ 1 (bố mẹ và anh em ruột), nếu trước 50 tuổi làm tăng gấp đôi nguy cơ; tiền sử cá nhân bị u tuyến đại tràng, ung thư đại tràng hoặc ung thư buồng trứng; các tình trạng di truyền, bao gồm bệnh polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch; tiền sử cá nhân bị viêm loét đại tràng mạn tính hoặc viêm đại tràng Crohn… Các yếu tố khác làm tăng tỷ lệ mắc bệnh bao gồm uống nhiều rượu bia, béo phì, thiếu vận động…
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, bên cạnh việc thực hiện lối sống khoa học, vận động thường xuyên, thói quen ăn uống lành mạnh thì nội soi đại tràng toàn bộ được xem là tiêu chuẩn vàng giúp phát hiện và tầm soát ung thư vì cho phép cắt polyp, sinh thiết khối tổn thương trong quá trình thực hiện.
Với người có yếu tố nguy cơ cao cần tầm soát sớm. Người đã cắt polyp hoặc khối u đại tràng, có yếu tố gia đình cần được bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa thăm khám tư vấn nội soi tầm soát định kỳ. Người từ 45 – 50 tuổi trở lên cần nội soi tầm soát đại tràng. Nếu không có polyp thể nội soi sau 5 năm.
Cứu sống bệnh nhân bị ngạt khí CO
Bị ngạt khí CO trong tình trạng hôn mê nguy kịch, nam bệnh nhân ở Bắc Giang được bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cứu sống thành công nhờ điều trị oxy cao áp.
Mới đây, bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã cứu sống nam bệnh nhân bị ngạt khí CO. Theo thông tin, bệnh nhân 46 tuổi, nam giới trú tại tỉnh Bắc Giang nhập viện trong tình trạng hôn mê nguy kịch.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bằng các phương pháp hồi sức tích cực và điều trị oxy cao áp để đào thải khí CO ra khỏi cơ thể nhanh chóng.
Bác sỹ Lê Thị Mai, khoa Thần kinh – Vậy lý trị liệu – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết, CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu, đặc biệt gây nhiễm độc thần kinh rất nhanh.
Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực… Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời.
Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…”.
Theo bác sỹ Mai, hiện nay oxy cao áp là phương pháp cấp cứu điều trị tối ưu cho các trường hợp ngộ độc khí CO.
Bệnh nhân được trao đổi khí và hít oxy nguyên chất 100% trong buồng áp suất cao sẽ đào thải nhanh khí CO ra khỏi cơ thể bệnh nhân, đặc biệt là não bộ, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng, giảm di chứng thần kinh như yếu liệt vận động, rối loạn trí nhớ, lú lẫn.
Được biết thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong quá trình lao động, sinh hoạt với phương pháp điều trị oxy cao áp.
Ngay trong cơn bão số 3 đầu tháng 9, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nận 6 bệnh nhân bị ngạt khí CO do dùng máy phát điện trong phòng kín.
Bác sỹ Mai khuyến cáo, người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát điện nên để riêng biệt với khu phòng ở.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ…, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà. Đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-259-gap-hoa-vi-tin-loi-gioi-thieu-tiem-prp-giup-tre-hoa-khop-goi-o-phong-kham-tu-d225784.html