Chiến đấu ở đất lửa Quảng Trị
Trong những ngày tháng tư lịch sử, tôi có cơ duyên được lắng nghe câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Ngọc Thoảng (70 tuổi, ở phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), người có công lớn trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cách đây hơn 50 năm về trước.
Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng, Anh hùng Mai Ngọc Thoảng cho biết, ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Chiến khu du kích Ngọc Trạo (ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).
Năm 1970, ông lên đường nhập ngũ và gia nhập Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (nay là Sư đoàn 390). Đến năm 1972, đơn vị của ông được điều động tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, với nhiệm vụ đảm bảo đường dây thông tin phục vụ chiến đấu.
Vào cuối tháng 3.1972, tiếng súng nổ vang trời ở vùng đất lửa Quảng Trị, sang đầu tháng 5.1972 toàn bộ thị xã Quảng Trị được giải phóng. Sau đó, để gây sức ép cho ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị và mục tiêu là chiếm lại Thành cổ, trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Paris nhằm thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Trong những ngày này, chiến sự vô cùng ác liệt, quân địch huy động các loại vũ khí tối tân nhất hòng chiếm lấy toàn bộ Thành cổ Quảng Trị. Đơn vị của ông (Trung đoàn 48) là một trong những trung đoàn được chốt giữ Thành cổ cùng các trung đoàn chủ công của Sư đoàn 320B. Trung đoàn 48, lúc bấy giờ còn gọi là Trung đoàn Quang Sơn và khẩu hiệu duy nhất là “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”.
“Trong suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28.6 đến 16.9-1972) dòng sông Thạch Hãn trở thành nơi mưa bom bão đạn. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này, để giữ vững mục tiêu bảo vệ thị xã Quảng Trị” - Anh hùng Mai Ngọc Thoảng chia sẻ.
Được phong Anh hùng khi vừa tròn 20
Cũng theo Anh hùng Mai Ngọc Thoảng, trong chiến dịch 81 ngày đêm, để đảm bảo thông tin liên lạc, các chiến sĩ thông tin của Trung đoàn 48 lúc nào cũng căng mình và đối diện với những làn mưa bom bão đạn, nối những đường dây bị đứt.
Ông vẫn nhớ như in ngày hôm đó, (ngày 13.7.1972), có một đường dây liên lạc qua sông bị đứt nhiều lần. Anh em thuộc trung đoàn cứ đi anh nào thì anh đấy hy sinh.
“Lúc đó, trên cương vị là tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin hữu tuyến, tôi tiếp tục xung phong đi. Vì xác định đi là sẽ chết, nên trước khi đi đồng đội đã làm lễ truy điệu sống cho tôi”, ông kể.
Khi đến bờ sông, mặc cho mưa bom, bão đạn ông bơi sang phía bờ sông đối diện, lấy đầu dây bị đứt. Còn bên này sông một đồng chí cùng trung đoàn đã đưa đầu dây sang cho ông. Lúc này, ông bơi giữa dòng sông để nối hai đầu sợi dây, tuy nhiên lại gặp khó vì thiếu dây nối. Trong tình thế đó, không còn cách nào khác, ông đã dùng răng để cắn hai đầu dây bị đứt nối lại với nhau.
“Lúc đó, tôi dùng răng cắn dây, còn hai tay và hai chân thì bơi liên hồi. Mỗi khi điện đàm 2 đầu kết nối, tôi nghe dòng điện chạy vào mình tê dại, tuy nhiên, không từ bỏ tôi đã giữ vững sợi dây liên lạc suốt gần 30 phút cho đến khi ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đã được đưa lên bờ. Sau đó trở về đơn vị, được nghe đồng chí chính trị viên trong đơn vị thông báo; đồng chí Thoảng vừa nối đường dây cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện chỉ huy trực tiếp chiến dịch và đợt tiến công của địch vừa rồi đã bị bẻ gãy. Việc làm của đồng chí đã giảm đi nhiều thiệt hại cho quân ta trong trận chiến lần này” - Anh hùng Mai Ngọc Thoảng nhớ lại.
Với thành tích xuất sắc, góp công lớn vào chiến thắng 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị. Ngày 23.9.1973, tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin hữu tuyến Mai Ngọc Thoảng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân khi vừa tròn 20 tuổi.
Theo Anh hùng Mai Ngọc Thoảng, sau chiến dịch mùa hè rực lửa ở Thành cổ Quảng Trị, Trung đoàn của ông được điều động vào chiến trường miền Nam cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Sau đó, ông về công tác tại phòng Chính trị Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Đến năm 1993, ông rời quân ngũ trở về quê hương, định cư và tham gia giữ nhiều cương vị quan trọng tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn.
Đến nay, dù đã về hưu một thời gian dài, tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên tham gia các công tác đoàn thể, giúp đỡ đồng đội, đồng bào tại địa phương và đạt được nhiều thành tích trong công tác xã hội. Cùng với đó, mỗi năm cứ vào dịp tháng 4 rực lửa, ông lại dành thời gian thăm lại chiến trường Quảng Trị, để tri ân đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của đất nước.
Laodong.vn
Bình luận (0)