Với việc nâng cao chất lượng, gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, đang khẳng định và giữ thị phần tại thị trường thế giới.
Mới đây, Tập đoàn Tân Long xuất khẩu thành công gạo Japonica mang thương hiệu AAn vào thị trường Nhật Bản. Sự kiện công bố diễn ra đầu tháng 10 tại Tokyo dưới sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Lãnh đạo Ngân hàng Kiraboshi (đơn vị kết nối doanh nghiệp), Công ty Suntomi International (đơn vị nhập khẩu), Công ty Tokairin và Spice House (đơn vị phân phối), lãnh đạo Tập đoàn Tân Long.
Xuất khẩu gạo, khẳng định với khách hàng bằng chất lượng |
Japonica là một loại gạo được sử dụng phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nhật, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Sự kiện khẳng định vị thế của gạo AAn khi là thương hiệu gạo Việt Nam vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định tại một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo ông Yoshino Takeshi, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Kiraboshi, hiện có gần 600.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tạo ra nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm quê hương, trong đó có gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu gạo trong nước nên việc tìm nguồn gạo thay thế rất cấp bách.
Gạo Japonica AAn có nét tương đồng với gạo của Nhật nên cũng được xem xét là sản phẩm thay thế tiềm năng. Thông qua các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước như hôm nay, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong việc mở rộng tại thị trường Nhật Bản.
Trước đó, tháng 6/2022, gạo AAn lần đầu xuất khẩu thành công dòng gạo ST25 sang Nhật Bản và được sử dụng làm nguyên liệu chính trong món cơm chiên phục vụ các cán bộ tại văn phòng nội các tại đây.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã không giấu được niềm vui khi thông báo những con số hết sức đáng mừng của xuất khẩu gạo. Thứ trưởng Tiến thông tin, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 4,86 tỷ USD (cả năm 2023 là 4,68 tỷ USD). Trong 10 tháng xuất khẩu 7,8 triệu tấn và hai tháng còn lại của năm 2024 có thể nâng kim ngạch lên trên 8 triệu tấn.
“Ấn Độ vừa cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng riêng các phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp của Việt Nam vẫn đang được giá và ổn định về giá”, Thứ trưởng Tiến thông tin thêm.
Có thể nói xuất khẩu gạo càng về cuối năm không chỉ báo tin vui mà còn đã thắp sáng, cổ vũ mạnh mẽ hy vọng tăng trưởng cho cả nền kinh tế. Đặc biệt xuất khẩu gạo Việt Nam còn nắm giữ ổn định “ngôi vương” tại một số thị trường. “Ngôi vương” đó không chỉ đơn giản là bảo đảm ổn định nguồn cung gạo hàng hoá mà còn có tác dụng giúp các nước bạn thêm vững tâm trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo rõ ràng là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước trong khi thị trường xuất khẩu gạo vẫn có thể mang lại những vận hội mới không chỉ các tháng cuối năm 2024 mà còn sang cả năm 2025.
Khẳng định về chất, gạo Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới.
Đối với xây dựng thương hiệu nông sản, ở cấp quốc gia hiện nay đã có một số sản phẩm nông sản chủ lực được quan tâm xây dựng thương hiệu. Theo đó, với sản phẩm gạo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015. Sản phẩm cà phê, đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia (theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017).
Theo các chuyên gia, muốn phát triển thương hiệu tốt phải có định hướng phát triển đồng thời trên ba trục: Phải có sản phẩm tốt; Phải có doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn; Phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển; Gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.
Một trong 3 trục này đã và đang được các doanh nghiệp triển khai đó là sản phẩm tốt. Như với Tập đoàn Tân Long, hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lúa gạo, Tập đoàn này ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo “từ cánh đồng đến bàn ăn”. Hiện tập đoàn mở rộng vùng nguyên liệu lúa gạo thông qua hoạt động liên kết sản xuất với các hợp tác xã, nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tân Long hỗ trợ nông dân về phương thức và kỹ thuật canh tác, thu mua lúa cho người dân; từ đó đảm bảo được nguồn cung lúa đầu vào ổn định và kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Tân Long còn chú trọng các mô hình canh tác giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Điều này giúp Tập đoàn Tân Long, thương hiệu Gạo AAn tiệm cận với xu thế tiêu thụ nông sản của thế giới khi không chỉ đảm bảo tăng tính cạnh tranh bằng chất lượng, mà còn hướng đến phát triển xanh và bền vững; phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng thế giới bằng những tiêu chuẩn chất lượng tốt toàn cầu.
Có thể thấy, với việc chú trọng dòng gạo chất lượng cao, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ người tiêu dùng nội địa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu,…
Đây là cách để thương hiệu gạo Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung sẽ từng bước chính phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
Nguồn: https://congthuong.vn/gao-viet-xay-dung-thuong-hieu-bang-chat-luong-357318.html