Trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất “gạo ngon Nhất thế giới” (World’s Best Rice). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về gạo Campuchia và gạo Ấn Độ.
Ban tổ chức The Rice Trader vinh danh gạo Việt Nam chiến thắng cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới – World’s Best Rice 2023”. (Nguồn: Lộc Trời). |
Việc gạo Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon thế giới là thêm một tín hiệu vui cho việc phát triển Thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự thi với 6 loại gạo, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seed dự thi gạo TBR39, TBR39_1. Do đó, Ban tổ chức vinh danh gạo Việt Nam chứ không vinh danh loại gạo cụ thể của công ty nào.
Diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội nghị lúa gạo quốc tế lần thứ 15 năm 2023 (The 15th Annual TRT World Rice Conference 2023) tại Cebu, Philippines, ngày 30/11 vừa qua, Ban tổ chức The Rice Trader đã chính thức vinh danh Việt Nam giành ngôi vị số 1 – “Gạo ngon nhất thế giới 2023”, ba đại diện doanh nghiệp sản xuất gạo Việt Nam là Tập đoàn Lộc Trời, Thaibinh Seed và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với 6 loại gạo dự thi cùng mang về giải thưởng danh giá cho lúa gạo Việt Nam.
Theo thông cáo của The Rice Trader ngày 1/12, Cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới 2023” quy tụ hơn 30 giống lúa gạo từ 10 quốc gia gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… Kết quả, top 3 vào chung kết là Campuchia (nhà vô địch năm 2022) với gạo thơm, Việt Nam (cựu vô địch) với gạo thơm và lần đầu tiên Ấn Độ lọt vào chung kết với cơm Basmati.
Chủ tịch The Rice Trader – Jeremy Zwinger, khẳng định: “Người chiến thắng giải ‘Gạo ngon nhất thế giới’ đã được tất cả giám khảo là các đầu bếp trong cuộc thi nhất trí lựa chọn (theo phương pháp bỏ phiếu kín). Người chiến thắng xuất sắc của World’s Best Rice 2023 thuộc về Việt Nam và chúng tôi xin gửi lời chúc mừng sâu sắc đến ngành lúa gạo Việt Nam với những cố gắng không ngừng nghỉ để đạt đến cấp độ đó, cùng với nỗ lực to lớn của tất cả các cá nhân”.
Trên thực tế, việc được vinh danh ở giải thưởng gạo ngon đã giúp cho thương hiệu gạo Việt Nam được nhiều người biết đến. Chẳng hạn, đối với gạo ST25, ngay sau khi được vinh danh gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 đã liên tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Anh, Australia, Nhật Bản… với lượng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tập đoàn Lộc Trời cũng đã có gạo Hạt Ngọc Trời từng lọt Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015 và đây là bàn đạp hữu ích cho gạo của Lộc Trời xây dựng thương hiệu thành công.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11, ước tính khối lượng gạo xuất đạt 700.000 tấn với giá trị 462 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2023 đạt 7,75 triệu tấn và 4,41 tỷ USD, tăng 16,2% về khối lượng và tăng 36,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, chỉ đến giữa tháng 11, kết quả xuất khẩu gạo đã vượt kết quả của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Không chỉ duy trì được lượng xuất khẩu ở mức khả quan mà giá xuất khẩu gạo cũng neo ở mức rất cao. Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện gạo Việt Nam vẫn giữ nguyên mức giá 658 USD/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây (thời điểm 21/11 giá gạo Việt Nam tăng 10 USD, lên 663 USD/tấn nhưng ngay sau đó đã giảm lại mức 658 USD/tấn và duy trì ổn định ở mức này).
Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Với những kết quả khả quan này, câu chuyện vui của gạo Việt Nam một lần nữa khơi gợi việc cần thiết xây dựng thương hiệu gạo quốc gia từ những “bàn đạp” hữu ích như vậy.
Mong rằng, trong tương lai không xa, câu hỏi “Tại sao gạo Việt Nam không xuất hiện trên thị trường thế giới với Thương hiệu Quốc gia Việt Nam?” – của Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận sẽ có câu trả lời rõ ràng.