Kể từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã liên tục phá đỉnh và đang đứng ở mức cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Mặc dù đây là thông tin vui đối với các hộ nông dân Việt Nam nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lại đang ở trong tâm trạng “mừng ít, lo nhiều”. Thậm chí, có doanh nghiệp còn không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ.
Sản xuất gạo cho xuất khẩu tại một nhà xưởng tại Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Gạo Việt Nam được giá
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vào đầu tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đứng ở mức 653 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 638 USD/tấn đối với loại 25% tấm. Đây là mức giá cao nhất của gạo Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây và cao hơn 15 USD/tấn so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 7/2023.
Ở chiều ngược lại, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Parkistan lại có xu hướng giảm, trong đó giá gạo xuất khẩu của Thái Lan là 560 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 520 USD/tấn đối với loại 25% tấm; giá gạo xuất khẩu của Pakistan là 563 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 488 USD/tấn đối với loại 25% tấm..
Sau đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới khi chạm ngưỡng 663 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 648 USD/tấn đối với loại 25% vào ngày 6/12.
Giới chuyên gia cho rằng giá gạo Việt Nam tăng mạnh là do sự xuất hiện của hàng loạt điểm nóng quân sự mới cùng với bất ổn địa-chính trị gia tăng trên khắp thế giới đang thúc đẩy nhiều nước mua gạo để tích trữ, trong khi nguồn cung gạo ở Việt Nam và thế giới vẫn khá hạn hẹp. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam có chất lượng cao, ổn định, dẻo và thơm gạo nên có giá bán cao hơn so với các đối thủ khác.
Nhờ giá gạo tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh và lần đầu đạt trên 4 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt 85,13 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo lên tới 4,4 tỷ USD, tăng 36,3%, cao nhất từ trước tới nay.
VFA nhận định hiện nay, dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam liên tục tăng nhu cầu mua vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ neo cao và khó giảm xuống ngay cả trong thời gian thu hoạch các vụ Thu Đông và Đông Xuân sắp tới. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng qua các năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu các loại gạo thơm, chất lượng cao được nhiều thị trường ưa chuộng.
Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều
Mặc dù gạo Việt Nam đang được giá nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lại “mừng ít, lo nhiều” bởi vì, theo họ, giá gạo xuất khẩu càng cao, việc thu mua và chốt đơn hàng càng khó khăn.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết thị trường lúa gạo trong nước đang bước vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều nhưng giá bán lại biến động theo chiều hướng tăng mạnh. Doanh nghiệp đang phải mua lúa tươi tại ruộng với giá cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, khối lượng mua vào cũng không được nhiều.
Cụ thể, ngày 8/12, theo cập nhật của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 tại khu vực An Giang tăng 200 – 300 đồng/kg lên mức 9.400 – 9.700 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng 100 – 200 đồng/kg lên mức 9.400 – 9.500 đồng/kg; gạo OM 18 tăng 200 đồng/kg lên mức 9.500 – 9.700 đồng/kg. Đối với các chủng loại lúa còn lại, giá đi vẫn giữ nguyên. Cụ thể, giá lúa Nàng hoa 9 ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; lúa IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.800 – 9.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 – 8.800 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), chia sẻ thời điểm này, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp rất ít, gần như đã cạn trong khi việc thu mua chậm lại nên nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ. Doanh nghiệp xuất khẩu đang chờ nguồn cung từ vụ Thu Đông nhưng sản lượng lúa Thu Đông cũng không quá nhiều. Với nhu cầu gạo thế giới tăng liên tục như hiện nay, giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, làm giống, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 – 8 triệu tấn gạo, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, chuỗi sản xuất lúa gạo chưa cao. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào xây dựng liên kết ngành hàng, không chỉ lúa gạo mà cả các ngành hàng khác để có hệ sinh thái bền vững.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Bộ sẽ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 để tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.
Yến Vy